Terrence Chong ̣̣(46 tuổi) làm việc tại một trường tư ở Singapore. Trong hơn 2 tháng, anh và vợ ngày nào cũng phải nhận những gói hàng kỳ lạ. Anh cho biết tình trạng này bắt đầu từ khi họ chuyển đến căn hộ mới.
Chủ cũ của căn hộ khẳng định chưa từng gặp tình huống nào như vậy. Mỗi ngày có từ 3-4, thậm chí 8 gói hàng được gửi đến nhà. "Có ngày tôi nhận 7-8 bưu kiện", anh Chong kể.
Tổng cộng, hai vợ chồng anh Chong đã nhận hơn 100 gói hàng. Theo nhãn dán bên ngoài, các gói hàng này là quạt trần, túi xách hay máy chiếu nhưng thực tế phần lớn bên trong không có gì cả.
"Tôi đã mở một số gói hàng nhưng chúng không có gì hoặc chỉ có khăn giấy. Tất cả đều không đúng như tên sản phẩm trên gói hàng", anh nói.
Mặc dù vợ chồng anh Chong không bị mất tiền hay bị yêu cầu hoàn lại tiền nhưng anh cho biết, cảm giác nhận hàng mỗi ngày đã gây áp lực tâm lý rất lớn cho họ.
"Nhìn thấy trước cửa nhà chất đầy những gói hàng rỗng, chúng tôi cảm giác không an tâm", anh chia sẻ.
Sau khi nhận được phản ánh của anh, sàn thương mại điện tử đã vào cuộc điều tra và xác định được người bán lẫn người mua liên quan đến các đơn hàng này.
Tất cả tài khoản vi phạm đã bị cấm và đến cuối tháng 11/2024, các bưu kiện không còn được gửi đến nhà anh Chong nữa.
Chuyên gia Huong Ha tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore cho biết đây là một hình thức gian lận khá phổ biến.
Người bán gửi các gói hàng rỗng tới địa chỉ thật và sau đó tự viết đánh giá giả mạo để tăng độ tin cậy cho sản phẩm của mình.
"Người bán muốn cải thiện thứ hạng và đánh giá sản phẩm của mình trên sàn thương mại điện tử nên đã lợi dụng danh tính của người nhận để viết đánh giá tích cực", chuyên gia giải thích.