“Giọt máu đào” không có nghĩa lý gì trong các vụ tranh chấp tài sản giữa những người thân trong một gia đình. Những tranh cãi, mâu thuẫn kéo dài gây nhiều tổn thương cho người trong cuộc.
Anh N.C.T (SN 1978, Hà Tĩnh) và vợ quen nhau khi cùng đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Cuộc sống của những người xa quê đã kết duyên hai người, họ ở với nhau như vợ chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn.
Sau 5 năm cùng nhau lao động nơi xứ người, vợ anh T. mang thai con đầu lòng. Anh động viên vợ về nước sinh con. Tất cả tài sản tích cóp được anh đưa hết cho vợ mang về quê mua đất, xây nhà…
Anh về nước vào năm 2006 cũng là lúc con trai chào đời. Khi đó 2 vợ chồng mới đi đăng ký kết hôn. Ở nhà được 1 tháng, anh lại tiếp tục lên đường đi lao động xuất khẩu mong kiếm được một khoản tiền cho gia đình.
Cô con gái thứ 2 chào đời năm 2010. Lúc này anh T. quyết định về nước, mở một xưởng sản xuất cơ khí tại quê. Những tưởng cuộc sống gia đình hạnh phúc, vui vẻ cứ thế trôi qua. Bất ngờ cuối năm 2022, vợ anh T. lên cơn đột quỵ và ra đi mãi mãi.
Lo xong việc hiếu cho vợ, anh T. mới giật mình khi xem lại giấy tờ sổ đỏ. Tất cả tài sản được mua bằng tiền chung của 2 người khi ở Hàn Quốc về, từ đất đai, nhà cửa đều đứng tên vợ, do khi mua, 2 người chưa đăng ký kết hôn.
Như vậy, toàn bộ số tài sản được coi là tài sản trước hôn nhân và thuộc sở hữu của vợ anh. Giờ vợ anh T. mất đi, số tài sản đó không thuộc quyền sở hữu của anh mà phải chia cả cho bố mẹ vợ, 2 con của anh...
Bi kịch nối tiếp bi kịch xảy ra trong gia đình anh T. Cậu con trai 16 tuổi của anh T. đang là một thiếu niên ngoan ngoãn bỗng nhiên tâm tính thay đổi. Cháu luôn tìm cách gây sự đuổi bố và em gái ra khỏi nhà. Cháu thường xuyên đổ nước ra cầu thang gây trơn trượt mong bố bị ngã. Đỉnh điểm có lần cháu đuổi đánh bố ra khỏi nhà. Bản tính hiền lành, anh T. lấy xe đi ra ngoài lánh mặt con. Nhưng khi quay về, cháu đã khóa cửa, khóa cổng, lấy dao rạch lốp xe… không cho anh vào nhà.
Bất lực, anh T. gọi công an xã tới giải quyết nhưng những hành vi của con trai anh đều chưa đủ để chính quyền can thiệp. Mọi người chỉ biết khuyên can và xót xa khi nhìn cảnh con trai hành hạ, đuổi bố ra khỏi nhà.
Đường cùng, anh T. tìm tới nhờ luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự, để mong được tư vấn hỗ trợ. Người làm cha không ai muốn phải đi kiện tụng con mình đẻ ra và nuôi nấng. Nhưng trước nguy cơ bị tước đoạt tài sản, mồ hôi công sức bao năm lao động cực khổ nơi xứ người, anh T. chỉ còn biết trông cậy vào luật sư.
Tranh chấp tài sản thừa kế là cuộc chiến của chính những người trong một gia đình, chung một dòng tộc. “Giọt máu đào” cũng không có nghĩa lý gì trong các vụ tranh cãi, mâu thuẫn kéo dài gây nhiều tổn thương cho người trong cuộc.
Trước câu chuyện đau lòng này, luật sư Hiển tư vấn anh T. khởi kiện ra toà để phân chia tài sản, di sản thừa kế. Tòa án đang thụ lý giải quyết.
Theo đó, luật sư tư vấn anh T. thu thập các bằng chứng chứng minh tài sản đứng tên vợ mình có nguồn gốc từ tiền anh làm ăn tích góp ở nước ngoài và gửi về cho vợ để mua đất đai nhà cửa. Từ đó xác định các tài sản này là tài sản chung của 2 người. Do đó, người chồng có quyền đối với một nửa tài sản của vợ mình. Nửa tài sản của người vợ được xác định là di sản thừa kế và sẽ được chia theo pháp luật (vì người vợ đột tử, không để lại di chúc).
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 651, bộ luật Dân sự, hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Trong vụ việc này, bố mẹ của người chết vẫn còn sống và người chết có 2 người con đẻ, không có cha mẹ nuôi và con nuôi nên hàng thừa kế thứ nhất gồm 5 người là: Bố mẹ đẻ của người chết, chồng và 2 con đẻ.