Chiều 10/2, Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân gây ra ngộ độc chè đậu trắng khiến 38 người phải nhập viện. Theo đó, tác nhân gây ngộ độc là do nhiễm khuẩn và độc tố của vi khuẩn - độc tố của Bacillus cereus. Đây là kết quả kiểm nghiệm của Viện Y tế công cộng TP.HCM.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh An Giang thăm hỏi bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn chè. Ảnh: E.X

Như VietNamNet đưa tin, nhân dịp rằm tháng Giêng, bà N.A.T (ngụ tại ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A) nấu chè đậu trắng để phát miễn phí cho mọi người. 

Người phụ nữ này nấu chè từ chiều 3/2, sáng hôm sau, bà phát miễn phí cho nhiều người trong xóm. Nguyên liệu nấu chè gồm 20kg đậu trắng, 8kg nếp, 10kg nước cốt dừa, 24kg đường cát và nước tro tàu. Đến khoảng 23h cùng ngày, nhiều người sau khi ăn chè có triệu chứng tiêu chảy, nôn, sốt… 

Khi phát chè, bà T. không làm nóng lại và chia chè vào từng bọc để phát. Mỗi bọc khoảng 4 chén chè (chè ở dưới, nước cốt dừa ở trên). 

Vụ ngộ độc khiến 38 người phải nhập viện cấp cứu tại huyện Chợ Mới. Trong đó, 4 người tiên lượng nặng được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Trung tâm An Giang. Sau đó, 1 người phụ nữ nữ đã tử vong. Ngoài ra, 50 người sau khi ăn chè của bà T. bị đau bụng nhẹ, tự mua thuốc uống tại nhà. 

Bacillus cereus là loại vi khuẩn phổ biến, dễ dàng có mặt trong nhiều loại thực phẩm, món ăn.

Khi gặp điều kiện không thuận lợi: khô, nóng do quá trình xử lý, chế biến, bảo quản thực phẩm, B.cereus vẫn có thể tồn tại ở dạng bào tử. Bào tử vi khuẩn chỉ bị giết khi hấp ướt 121 độ C trong 20 phút hoặc sấy khô 160 độ C trong 1 giờ.

Món ăn sau khi nấu nướng, nếu được để nguội vài giờ trước khi ăn, bào tử vi khuẩn có thể trở lại trạng thái sinh trưởng và nhân lên.

B.cereus trong thực phẩm bị ô nhiễm có hai cách gây bệnh, một là đi vào ruột, nhân lên tạo độc tố gây ngộ độc dạng tiêu chảy, thường có thời gian ủ bệnh từ 12-24 giờ. Loại thứ 2, vi khuẩn nhân lên trong thực phẩm và tạo độc tố gây nôn, thời gian ủ bệnh từ 0,5-5 giờ.

Thực phẩm liên quan đến dạng tiêu chảy gồm thịt, sản phẩm từ thịt, rau, giá đỗ, nước sốt, bánh thập cẩm, thịt gia cầm. Thực phẩm liên quan đến dạng gây nôn gồm các thực phẩm giàu tinh bột như cơm, khoai tây, rau quả, trái cây, sản phẩm từ sữa, sản phẩm từ đậu lên men (tương, chao, đậu phụ), nấm.