Thông tin bé trai bị đánh hội đồng ở huyện Thạch Thất, Hà Nội bị sang chấn tâm lý được đăng tải trên VietNamNet khiến dư luận bức xúc. Đồng thời, nhiều phụ huynh mong mỏi cơ quan chức năng, nhà trường… phải có giải pháp, giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường.
Để hiểu rõ nguyên nhân cũng như giải pháp cần thực hiện, VietNamNet đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Đảm bảo sự an toàn cho nạn nhân
Thưa PGS.TS Trần Thành Nam, như thông tin VietNamNet đã đăng tải, tình trạng sức khỏe và tâm lý của bé trai bị đánh hội đồng khá bất ổn. Theo ông, việc cần thiết nhất bây giờ mà cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình… phải làm là gì?
PGS.TS Trần Thành Nam: Thông thường, nạn nhân của bạo lực học đường luôn trong tình trạng bị kẻ bắt nạt đe dọa không được tiết lộ thông tin. Nếu nạn nhân tiết lộ thông tin sẽ chịu nhiều hậu quả nặng nề hơn. Vì vậy, việc nam sinh lớp 7 ở Hà Nội không chia sẻ với người thân là rất dễ hiểu.
Nạn nhân của bạo lực học đường phải đối mặt với bạo lực thể chất hoặc bạo lực tinh thần. Trường hợp của nam sinh này là bị bạo lực tổng hợp, bao gồm bạo lực về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí bị bắt nạt về kinh tế, bị trấn lột tiền bạc.
Điều đáng trách trong vụ việc là tại sao bạo lực diễn ra trong thời gian dài, nạn nhân có các biểu hiện rõ ràng như: vết thương, thu mình, sợ sệt, không đến trường đúng giờ, có phản ứng lạ, sách vở bị xô lệch, quần áo bị rách… nhưng người lớn lại không hay biết.
Dường như những người lớn ở bên cạnh nạn nhân, trong đó có bố mẹ và thầy cô, chưa nhận ra vụ việc. Chỉ đến khi tinh thần của em bị hoảng loạn, gia đình, nhà trường… mới vào cuộc.
Về vấn đề đó, chúng ta sẽ bàn luận sau. Trước mắt, sự việc đã xảy ra thì bằng mọi cách, chúng ta phải đảm bảo sự an toàn 24/7 cho nạn nhân. Cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình phải bảo vệ bạn ấy trong mọi hoạt động, không để bạn bị bắt nạt hoặc bạo hành thêm nữa. Bố mẹ luôn bên cạnh hoặc giáo viên phải giám sát, bảo vệ nạn nhân.
Yêu cầu các cơ quan chức năng, trong đó có chuyên gia tâm lý lâm sàng và bác sĩ đánh giá về mức độ tổn thương của nạn nhân. Bác sĩ đánh giá tổn thương về mặt thể chất, còn chuyên gia tâm lý đánh giá mức độ tổn thương tinh thần.
Thứ nữa, gia đình phải thông báo cho cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nhóm học sinh bắt nạt bạn.
Cần tiến hành công tác tư vấn tâm lý để giúp nam sinh hồi phục, trở lại môi trường học đường trong thời gian nhanh nhất. Việc này cần phải có sự tham gia của các chuyên gia tâm lý học đường và tâm lý lâm sàng.
Những chuyên gia này phải có năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp, tốt nhất là các cán bộ thuộc các trường đại học chuyên ngành về tâm lý lâm sàng, tham vấn học đường. Tất cả phải cho nạn nhân cảm thấy được quan tâm hỗ trợ và bạn ấy không có lỗi.
Trường hợp bạo hành diễn ra mà không xử lý đến nơi đến chốn, kẻ bắt nạt không chỉ bắt nạt về mặt thể chất mà còn đưa bí mật, hình ảnh của nạn nhân lên không gian mạng khiến em tuyệt vọng hơn. Trong một số kịch bản rất xấu, nạn nhân muốn trốn thoát khỏi kẻ bắt nạt bằng cách tìm đến hành vi tự sát.
Vì vậy, đây là quá trình cần làm việc hết sức cẩn trọng để đảm bảo an toàn cho nạn nhân.
Ông có thể phân tích một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường ngày càng khó kiểm soát không?
Thực tế, bây giờ, mọi thứ đều được đưa lên không gian mạng. Cho nên, bạo lực học đường ngày càng phức tạp hơn bạo lực truyền thống. Bạo lực truyền thống là hành vi trực tiếp, có thể kiểm soát, bảo vệ đứa trẻ nhưng bây giờ, bạo lực nếu không xử lý rốt ráo sẽ bị đưa lên không gian mạng.
Từ đó cho thấy, tính chất của bạo lực học đường ngày càng tinh vi hơn khiến cha mẹ chủ quan, nghĩ con mình an toàn.
Rõ ràng, chúng ta đang trong một giai đoạn căng thẳng về mọi mặt. Căng thẳng từ công việc của cha mẹ sau đại dịch, nền kinh tế khủng hoảng, thậm chí mình phải thừa nhận nền giáo dục cũng gặp nhiều áp lực. Áp lực của giáo dục là việc đổi mới chương trình dạy học, thầy cô áp lực hơn, học trò áp lực hơn.
Tất cả đều áp lực hơn trước thì sức bền về mặt sức khỏe tinh thần không có, dẫn đến khó kiềm chế cảm xúc. Nhiều trường hợp chỉ va chạm một chút đã dẫn đến bạo lực.
Thực tế, những kẻ bắt nạt hoặc bạo hành người khác, bản chất người đấy cũng chịu nhiều áp lực và đau khổ. Đó là những đứa trẻ bị cha mẹ dạy dỗ bằng đòn roi khắc nghiệt, bị dán nhãn học sinh cá biệt, bị lăng mạ… Vì vậy, các bạn ấy trở thành kẻ bắt nạt, phá rối bạn bè.
Cho nên, muốn kéo giảm bạo lực học đường, chúng ta không chỉ đi tìm thủ phạm và xử lý thật nghiêm, mà cần hỗ trợ tâm lý cho những kẻ bắt nạt đó nữa.
Công tác phòng chống bạo lực học đường là một quá trình dài nhưng nguồn lực lại hạn chế. Hiện tại, nhà trường chỉ tập trung dạy học, chưa quan tâm đến giảng dạy các kỹ năng mềm. Những hoạt động để học sinh thư giãn, kiểm soát cảm xúc không được đầu tư bài bản.
Cần dạy cho kẻ bắt nạt một số kỹ năng kiểm soát cảm xúc
Như ông chia sẻ ở trên, chúng ta cần hỗ trợ tâm lý cho kẻ bắt nạt. Ngoài giải pháp đó, chúng ta còn có những cách thức nào nữa?
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những kẻ bắt nạt về cơ bản sinh ra trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ sử dụng đòn roi, bị dán nhãn là học sinh quậy phá…
Muốn hỗ trợ và giúp các bạn đó thay đổi, việc đầu tiên là phải thay đổi cha mẹ của đứa trẻ. Chúng ta cần có những chương trình tập huấn hành vi, ứng xử của cha mẹ đối với con cái. Dạy dỗ con bằng các giải pháp thân thiện, không sử dụng vũ lực, bạo lực.
Thứ hai, cần dạy cho kẻ bắt nạt một số kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Ví dụ, những đứa trẻ thích bắt nạt người khác thường tin rằng, khi ấm ức, mình có thể dùng bạo lực với người khác để giải tỏa. Cho nên, chúng ta phải dạy cho các em kỹ năng giải tỏa cảm xúc mà không dùng đến bạo lực.
Thứ ba, những đứa trẻ có hành vi bạo lực thường rất muốn thể hiện, muốn mọi người chú ý. Tuy nhiên, các em không có điểm tích cực nào để được chú ý. Vì vậy, chúng ta phải khuyến khích động viên, tạo điều kiện cho các em thể hiện. Những đứa trẻ thích bắt nạt người khác về cơ bản rất được việc. Khi được giao việc tích cực, các em ấy sẽ chú ý và dồn năng lượng vào đó.
Để ngăn các em bắt nạt người khác, cô giáo có thể giao cho em ấy nhiệm vụ bảo vệ các bạn hoặc hỗ trợ một số việc cho lớp. Các bạn ấy hoàn thành tốt thì người lớn phải khuyến khích, khen ngợi. Đó là cách chúng ta cho các bạn thấy bản thân có giá trị và được mọi người thừa nhận.
Thay vì đuổi học, kỷ luật, bàn giao cho công an, đối với kẻ bắt nạt là các em còn nhỏ tuổi, chúng ta phải giáo dục các em, thiết lập một hợp đồng hành vi, cam kết không được bắt nạt nữa.
Không nên triệt đường, không đẩy các em ra khỏi trường học, phải sử dụng giải pháp mang tính chất giáo dục hơn. Các em đi sai đường thì nhiệm vụ của giáo dục phải chỉnh đốn lại.
Chúng ta có rất nhiều giải pháp nhưng tất cả phải được thực hiện cùng một lúc.
Cha mẹ và thầy cô phải phối hợp nhịp nhàng
Cha mẹ đóng vai trò như thế nào trong việc dạy dỗ, bảo vệ con trước vấn nạn bạo lực học đường?
Cha mẹ là người thầy đầu tiên, nhà đầu tư suốt đời, dạy con những phẩm chất yêu thương, biết chia sẻ, trung thực, đoàn kết… Vị trí của cha mẹ đối với đứa trẻ là quan trọng nhất.
Xét thời gian tổng của cuộc đời, cha mẹ dành thời gian cho đứa trẻ nhiều nhất. Thế nên, cha mẹ phải định hướng, đồng hành cùng nhà trường giáo dục đạo đức cho con.
Cha mẹ và thầy cô phải phối hợp nhịp nhàng. Thầy cô dạy cái gì ở trường thì về nhà cha mẹ phải củng cố thêm cho con.
Ở lớp, cô giáo dạy các con bài học về yêu thương mà về nhà, cha mẹ cãi nhau, đánh nhau, đánh con thì làm sao tiết học của cô đạt hiệu quả.
Hiện tại, môi trường sống, đặc biệt trên không gian mạng, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của trẻ em. Các chất liệu về tình dục, bạo lực tràn ngập trên không gian mạng. Thế nên, người lớn phải tìm cách hạn chế việc trẻ tiếp cận môi trường độc hại trên mạng.
Nhà nước phải có chính sách loại trừ các nội dung xấu, độc hại trên không gian mạng. Nhà trường dạy cho các em kỹ năng bảo vệ an toàn cho bản thân, đối phó với bắt nạt trực tuyến.
Phụ huynh dạy cho con cách sử dụng và ứng xử trên không gian mạng. Đồng thời, cha mẹ cần có biện pháp quản lý, kiểm soát, tránh con tiếp cận môi trường độc hại trên mạng.
Bảo vệ trẻ khỏi vấn nạn bạo lực học đường là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội.
Mong toàn xã hội, đặc biệt là các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục, nhà báo nhân sự việc này hãy đấu tranh để ngành giáo dục xem hiện tượng bắt nạt học đường là một vấn nạn và có chương trình hành động cụ thể để giáo dục học sinh. Cần xem vấn đề này như một chủ đề lớn, giảng dạy nghiêm túc trong môn Giáo dục công dân. Mục đích là xoá bỏ các hiện tượng trên một cách thực sự chứ không chỉ cảnh báo, hô hào mỗi khi có sự việc đáng tiếc nào đó xảy ra. Xin hãy vì tương lai con em chúng ta, vì sự phát triển toàn diện của con người - không chỉ dạy ra những thợ toán, thợ văn mà phải dạy ra những con người thiện lành biết thương yêu, đùm bọc, che chở những người yếm thế! Nhà báo Hồ Thu |