Liên quan vụ việc bé trai Vũ K., 12 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội bị bạn đánh hội đồng, hiện tình trạng sức khỏe của K. không tốt. Sau khi đi khám tại bệnh viện Việt Đức ngày 25/10, về nhà K. càng trở nên kích động, liên tục có những cơn gào thét.
Đến chiều qua, K. bị mất ý thức, không nhận ra bố mẹ, người thân. Gia đình chị M. lại một lần nữa tức tốc đưa con nhập viện điều trị.
Đại diện gia đình 6 trong số 8 bạn đánh K. đã 2 lần gặp mặt gia đình chị M. xin lỗi và gửi khoản tiền hỗ trợ điều trị cho K. tổng cộng là 50 triệu đồng, chịu toàn bộ trách nhiệm và chi phí đi lại cho tới khi K. khỏi bệnh. Các bạn đánh K. cũng đã nhận hình thức kỷ luật theo quy định và đã tới nhà gặp, xin lỗi K. cùng gia đình.
Gia đình chị M. cũng đã được chính quyền địa phương tư vấn, kết nối với Văn phòng tư vấn và Trị liệu tâm lý trẻ em - Cục Trẻ em (do Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ BVTE kết nối) để hỗ trợ điều trị tâm lý cho cháu K. Tuy nhiên, do thể trạng K. còn yếu, cần điều trị sức khỏe trước rồi mới điều trị về tâm lý.
Lên án bắt nạt là đúng, nhưng cần đúng cách
Trao đổi với VietNamNet hôm nay, bà Kiều Thị Khuyến, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) - nơi gia đình K. sinh sống cho biết: “Điều cần thiết trước mắt là làm sao để chia sẻ, giúp đỡ cháu K. chóng bình phục và hòa nhập cộng đồng. Và một phần không kém quan trọng khác là làm cách nào để giúp các cháu kia phát triển một cách bình thường và bản thân các cháu đó sau này cũng sẽ không gặp phải định kiến nào cả”.
Bà Khuyến khẳng định, bạo lực sẽ sinh ra bạo lực. Nếu sinh ra trong gia đình có bố vũ phu, bạo lực thì sau này đứa trẻ sẽ làm việc đó với người khác.
Qua trường hợp của cháu K., nếu mọi người đồng loạt lên án, “tứ bề dập tơi bời thì các cháu sẽ không phát triển bình thường nữa. Lúc nào các cháu cũng sẽ mang mặc cảm tội lỗi, bị những ánh mắt kỳ thị. Đã có một cháu K. là quá đủ rồi, có thêm 7-8 cháu K. khác nữa thì quá đáng thương. Đó là điều tôi không muốn chút nào”, bà Khuyến nhấn mạnh.
Theo bà Khuyến, nếu những người đánh K. là người lớn thì mọi người có thể thoải mái chia sẻ nhận định của cá nhân lên mạng xã hội, và yêu cầu pháp luật trừng trị, đòi lại công bằng cho người bị nạn.
“Nhưng chúng còn là những đứa trẻ. Mình phải chừa cho chúng con đường phát triển bình thường sau này chứ? Bây giờ chúng đều là trẻ con cả, nhận thức đều không đầy đủ. Nếu mọi người tấn công nhiều quá, trách cứ nhiều mà không có giải pháp gì, tôi sợ những đứa trẻ đó lại bị tổn thương. Và sau này xã hội lại gánh tiếp hậu quả đó. Tôi nghĩ đó không phải là việc nên làm”, bà Khuyến nói.
Các thôn đưa trẻ đánh bạn vào danh sách các tổ quản lý giáo dục
Khi nắm bắt được thông tin vụ việc, chính quyền xã Đại Đồng ngay lập tức chỉ đạo, phối hợp cùng công an xã, nhà trường và gia đình cháu K. cũng như những gia đình bạn đánh K. có buổi gặp mặt làm việc.
Các cháu đã nhận lỗi đánh bạn học. Các gia đình đã thống nhất hỗ trợ kinh phí cùng gia đình chị M. chữa trị cho K.
"Ngoài ra, chúng tôi còn có biện pháp giáo dục gần gũi với các trẻ đánh bạn để các cháu nhận thức được việc làm sai trái, tránh việc tái diễn về sau. Vì nếu chỉ cần có hành động hay lời nói nào khác nữa sẽ lại tác động tới K. khiến K. sợ hãi. Đó là điều chính quyền địa phương hết sức lo lắng.
Chúng tôi yêu cầu các gia đình gần gũi, tránh áp dụng các biện pháp bạo lực, không trừng phạt các cháu. Chúng tôi khuyến cáo các gia đình bằng tình thương và trách nhiệm để khơi dậy ý thức trách nhiệm, nhận thức để hướng các cháu biết chia sẻ, cảm thông. Khi đó, các cháu sẽ nhận thức được việc làm của mình là sai.
Lãnh đạo xã đã kết hợp cùng chi bộ các thôn đưa các cháu đánh bạn vào danh sách các tổ quản lý giáo dục và giúp đỡ theo mô hình khu dân cư không có thanh thiếu niên vi phạm pháp luật”, bà Khuyến nói.
Mỗi tổ quản lý giáo dục tại các thôn sẽ có thành phần gồm chi ủy - trưởng thôn, công an khu vực, đại diện gia đình và giáo viên để phối hợp nắm bắt tình hình, kịp thời định hướng giúp đỡ các cháu thanh thiếu niên trong thôn.
Cụ thể trong trường hợp của K., địa phương sẽ định hướng tới các cháu nhận thức được hành vi của mình.
Trong khi đó, tình trạng của cháu K. bây giờ cần được tập trung giúp đỡ nhiều nhất, điều trị cho cháu, giúp cháu cân bằng lại cuộc sống, sớm trở lại bình thường.
Trao đổi với VietNamNet, bà Lê Thị Lâm - Phó trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Thạch Thất cho biết bà nhận được thông tin từ Trung tâm công tác xã hội của TP Hà Nội về việc của cháu K. hôm 16/10.
Bà đã nhanh chóng báo cáo lãnh đạo huyện và chỉ đạo tới các ban ngành liên quan tiếp nhận thông tin. Lãnh đạo UBND huyện đã trực tiếp thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cháu K. và gia đình, đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung làm rõ, xử lý vụ việc.
Một loạt vụ việc gần đây, trong đó có nỗi đau đớn của bé trai 12 tuổi bị bạo lực học đường dẫn đến sang chấn tâm lý mà VietNamNet đưa tin, cho thấy một thực tế là “cái ác” dường như đang nhiều lên, trong những người rất trẻ tuổi. Có nhiều nguyên nhân, nhưng không thể không kể đến nền tảng giáo dục, gồm cả nhà trường và gia đình, đang có những vấn đề cần được xem xét. Một thế hệ, một xã hội cần được xây dựng trên nền tảng của nhân ái, nhân văn, đề cao nhân cách con người, chứ không chỉ đơn thuần là xây dựng trên những chỉ số thành tích, mà từ đó có thể dẫn tới tâm lý ganh đua, giành giật, và kẻ mạnh là người nắm quyền áp chế người khác. Nhà báo Thùy Hương |