Chiều 13/9, thông tin từ Sở Y tế Quảng Nam, tổng số ca ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng tại Hội An đã lên 91 người. Trong đó 32 ca xuất viện, 1 ca chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng.
“Trong số này có 34 người nước ngoài, đa số bệnh nhân sức khỏe ổn định. Các bệnh viện đang tiếp tục theo dõi bệnh nhân, cùng với đó, rà soát, khám sàng lọc và tiếp nhận bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời”, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, nói.
Trước đó, 31 người bị ngộ độc khi ăn bánh mì Phượng (số 2B, đường Phan Chu Trinh, phường Minh An, TP Hội An), thời gian từ 8h-20h ngày 11/9.
Người đầu tiên ngộ độc vào lúc 11h cùng ngày. Khoảng cách từ lúc ăn đến khi xuất hiện triệu chứng ít nhất là 2 giờ, nhiều nhất 16 giờ.
Chiều 12/9, Trung tâm Y tế thành phố Hội An kiểm tra, yêu cầu tiệm bánh mì giữ mẫu thức ăn liên quan và niêm phong, bảo quản mẫu theo quy định để gửi Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quảng Nam kiểm nghiệm xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, hiện chưa có kết quả.
Tính đến 18h ngày 12/9, đoàn ghi nhận có 31 người bị ngộ độc, trong đó 5 người điều trị ngoại trú, còn lại đang nằm điều trị tại các bệnh viện.
Hầu hết bệnh nhân đều có triệu chứng sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi phân lỏng nhiều lần và kéo dài. Những bệnh nhân đang nằm điều trị tại một số bệnh viện ở Quảng Nam và Đà Nẵng. TP Hội An cũng đã yêu cầu cơ sở này ngừng hoạt động trong ngày 13/9 để cơ quan chức năng đến kiểm tra.
Chiều 13/9, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) cho biết vừa có báo cáo ban đầu vụ ngộ độc thực phẩm tại tiệm bánh mì Phượng ở Hội An. Theo đó, sau khi kiểm tra, vào ngày 11/9, tiệm bánh mì Phượng đã bán 1.920 ổ bánh mì. Ngày 12/9, cơ sở này bán 1.700 ổ.
Kết quả ban đầu, khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh, chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác. Quán không lưu bánh mì, sốt trứng gà tươi trong số lượng món ăn trong 1 ngày.
Cơ sở này không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh (thùng rác tại khu vực sơ chế, chế biến không có nắp đậy). Các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh (máy xay thịt).
Theo Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, thức ăn nghi ngờ ngộ độc là bánh mì (patê, thịt xíu gồm thịt và nước, xíu mại, rau răm, rau húng, hành, xà lách, sốt trứng gà tươi, dưa leo, đu đủ chua, chả heo).
Lý do được cơ quan chức năng đưa ra là theo khai báo của 46 bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế Hội An, Bệnh viện Thái Bình Dương, Phòng khám Khang Cường, Bệnh viện Đa Khoa Vĩnh Đức, đều ăn bánh mì (đã qua chế biến) mua tại quán này.