Trước đó, hồi tháng 3/2023, tòa sơ thẩm đã xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984) mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc bị cáo phải trả lại số tiền đã lừa đảo chiếm đoạt của các bị hại.
Ngày 24/1, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ án “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành. Đây là vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng Đại chúng (PVCombank), Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Việt Á (VAB).
Phiên tòa được mở ra để xem xét kháng cáo của các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi liên quan. Trong đó phía bị hại là Ngân hàng Pvcombank, Ngân hàng NCB, Ngân hàng Việt Á và một số cá nhân đã kháng cáo bản án sơ thẩm. Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành và 12 bị cáo khác cũng có đơn kháng cáo.
Trong vụ án này, bà Nguyễn Thị Hà Thành bị cáo buộc đã dùng thủ đoạn vay tiền của nhiều người dưới hình thức gửi sổ tiết kiệm đồng sở hữu, sau đó cầm cố sổ tiết kiệm, lừa đảo chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng, của PVComBank 49,4 tỷ đồng, VAB 273,9 tỷ đồng, của nhiều cá nhân khác là 63 tỷ đồng.
Quá trình làm thủ tục vay tiền, bà Thành và đồng phạm đã giả chữ ký, chữ viết của những người đồng sở hữu sổ tiết kiệm. Trong khi đó, các cán bộ ngân hàng đã bỏ qua quy trình, quy định của ngân hàng, tiếp tay cho hành vi lừa dối, chiếm đoạt của bị cáo Thành.
Nhùng nhằng chuyện đại gia đòi tiền
Nhiều đại gia liên quan đến vụ án này đã đứng tên đồng sở hữu các quyển sổ tiết kiệm có giá trị lớn với bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành. Cho đến nay, tiền của họ gửi tiết kiệm ở ngân hàng vẫn đang bị "nhốt".
Ngày 24/3/2023, trong phần tuyên án, HĐXX đưa ra nhận định cho rằng, mối quan hệ giữa bị cáo Hà Thành và các đồng sở hữu là vay mượn riêng biệt. Mục đích bị cáo Thành vay tiền của ngân hàng để rút số tiền đã vay của các đồng sở hữu. Ngân hàng chấp nhận số tiền gửi là tài sản đảm bảo nên việc gửi tiền của bà Thành là đúng quy định.
Theo HĐXX, số tiền chiếm đoạt được “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành đã dùng để sử dụng cá nhân nên bị cáo phải trả lại 3 ngân hàng số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt. Tòa cũng tuyên để phía ngân hàng tạm giữ các sổ tiết kiệm đồng sở hữu nhằm đảm bảo thi hành án, cho đến khi cơ quan thi hành án thực hiện việc thi hành án.
Liên quan đến vụ án, trong số những người bị bà Thành giả chữ ký, rút tiền trong sổ tiết kiệm đồng sở hữu có ông Đặng Nghĩa T. Cáo trạng xác định, tổng số tiền bị cáo Thành vay của ông T., sau đó chỉ định ông này gửi tiết kiệm tại 3 ngân hàng PVCombank, NCB và VAB là 122 tỷ đồng.
HĐXX cho rằng, tài liệu trong vụ án thể hiện, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành trực tiếp vay tiền của ông T., gửi sổ tiết kiệm đồng sở hữu vào ngân hàng để đảm bảo nếu Thành không trả tiền thì đã có ngân hàng trả.
Thỏa thuận này không đảm bảo ý chí của 2 bên, là hợp đồng giả cách, thể hiện việc vay nợ của “siêu lừa” Hà Thành với ông T. Vì vậy, tòa tuyên giành quyền khởi kiện cho ông T. với bị cáo Hà Thành bằng vụ kiện dân sự khác.
Một số đại gia khác cũng đứng tên đồng sở hữu các quyển sổ tiết kiệm có giá trị lớn với bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành tòa cũng có phán quyết tương tự.
Ông Đặng Nghĩa T. và vợ là bà Tạ Thị Thu T. cùng một số cá nhân đã làm đơn kháng cáo. Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, ông T. luôn cho rằng, mình gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng đúng quy trình, thực hiện giao dịch trực tiếp với ngân hàng theo sự hướng dẫn của cán bộ, nhân viên ngân hàng.
Toàn bộ số tiền vợ chồng ông gửi vào ngân hàng đều có giấy tờ nộp tiền đầy đủ chữ ký của các cán bộ có thẩm quyền và được đóng dấu pháp nhân của ngân hàng nên phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, các ngân hàng cho rằng bị cáo Hà Thành có trách nhiệm trực tiếp trả tiền cho các chủ sổ tiết kiệm theo quan hệ vay mượn.