Hôm nay (20/3), phiên tòa xét xử “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành và 25 bị cáo trong vụ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng Đại chúng (PVCombank), Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Việt Á (VAB) tiếp tục với phần tranh luận.
Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành dùng thủ đoạn vay tiền của nhiều người dưới hình thức gửi sổ tiết kiệm đồng sở hữu, sau đó cầm cố sổ tiết kiệm, lừa đảo chiếm đoạt của NCB 47,5 tỉ đồng, của PVComBank 49,4 tỉ đồng, VAB 273,9 tỉ đồng, của nhiều cá nhân khác là 63 tỉ đồng.
Đại diện VKS đề nghị tòa án tuyên bị cáo Hà Thành án tù chung thân, buộc bị cáo phải bồi thường cho các ngân hàng; các ngân hàng đồng thời phải thanh toán tiền tiết kiệm cho các khách gửi tiền, gồm cả những người đồng sở hữu.
Trong phần tranh luận, đại diện của Ngân hàng NCB đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu ngân hàng phải trả lại tiền cho người đồng sở hữu sổ tiết kiệm với bị cáo Hà Thành.
Đại diện của PVcombank đề nghị HĐXX buộc “siêu lừa” Hà Thành phải trực tiếp trả tiền cho người đồng sở hữu sổ tiết kiệm.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng VAB cho rằng, việc đại diện VKS đề nghị VAB phải trả tiền cho người đồng sở hữu sổ tiết kiệm tiền gốc và lãi là không có căn cứ.
Người đại diện VAB khẳng định, VAB không phải bị hại, không bị thiệt hại. Các đại gia cho bị cáo Hà Thành vay tiền lấy lãi cao và VAB chỉ là nơi trung chuyển tiền.
Đối đáp với các quan điểm trên, đại diện VKS khẳng định, trong vụ án này, các ngân hàng là bị hại, chủ sổ tiết kiệm và đồng sở hữu chỉ là người liên quan. Do vậy, bị cáo Hà Thành có trách nhiệm bồi thường cho ngân hàng và ngân hàng phải trả tiền cho chủ sổ cùng các đồng sở hữu sổ tiết kiệm.
Bị cáo Thành trình bày rằng sẽ trả tiền cho các đồng sở hữu sổ tiết kiệm, nhưng đây chỉ là ý kiến cá nhân và bị cáo Thành không chiếm đoạt tiền của các đồng sở hữu.
Theo đại diện VKS, việc Ngân hàng VAB tự ý tất toán sổ tiết kiệm đồng sở hữu liên quan đến Hà Thành nhưng lại cho mình không phải bị hại là “suy luận thiếu logic”. Dù các ngân hàng bị thiệt hại, nhưng 5 năm qua, những khoản tiền do người gửi tiết kiệm vào vẫn được ngân hàng sử dụng để cho vay. Trong khi đó, người đồng sở hữu sổ tiết kiệm với Hà Thành “một ngày đẹp trời, mất số tiền lớn xót lắm chứ”.
Vẫn theo lời vị đại diện VKS, khách hàng gửi tiền vào ngân hàng dù không rút ra, không cầm cố, nhưng một ngày bất ngờ bị mất, bị tất toán hết. Sau phiên tòa này, những ai chứng kiến, nghe được diễn biến sẽ không yên tâm gửi tiền vào NCB, VAB... Việc này chắc chắn ảnh hưởng tới lợi ích kinh doanh, thương hiệu của ngân hàng.
Quan điểm đối đáp của đại diện VKS cho rằng, ngân hàng là pháp nhân, 17 bị cáo trong vụ án này là nhân viên của ngân hàng, khi họ làm sai, pháp nhân phải có trách nhiệm. Ngân hàng cũng cần nâng cao công tác đào tạo cho nhân viên để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Tranh luận tại tòa, luật sư Lam Hồng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Đặng Nghĩa T. (người có 122 tỷ đồng gửi sổ tiết kiệm đồng sở hữu với bị cáo Hà Thành ở 3 ngân hàng) cho rằng, việc các luật sư đại diện cho 3 ngân hàng khẳng định giữa bị cáo Hà Thành và ông T. có quan hệ vay mượn là không đúng.
Vợ chồng ông T. khi gửi tiền vào ngân hàng đã tuân thủ các quy định, không hề rút tiền ra, họ cũng không hề nhận được thông báo nào của ngân hàng, cho đến khi đến tận ngân hàng hỏi thì mới biết tiền trong sổ tiết kiệm của mình đã không còn.
Luật sư cho rằng ngân hàng phải chịu trách nhiệm về việc làm sai của các nhân viên ngân hàng, đề nghị HĐXX buộc các ngân hàng phải trả lại cả tiền gốc và lãi cho vợ chồng ông T.
>> Đọc tin pháp luật mới nhất trên báo VietNamNet