Không còn là điều xa vời, rừng Việt Nam đã thu được hàng nghìn tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon vào cuối năm 2023. Mới đây, ngành nông nghiệp cũng tiếp tục thực hiện đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, đến tháng 8 này Việt Nam sẽ có sản phẩm lúa giảm phát thải. Trước đó, Ngân hàng Thế giới cam kết chi trả 10 USD/tín chỉ carbon từ lúa.
Ngoài lúa, ở các tỉnh ĐBSCL, trồng dừa cũng là thế mạnh. Đáng chú ý, không chỉ trái dừa mà từ thân tới lá, hoa… đều được sử dụng để làm ra những sản phẩm giá trị gia tăng khác nhau. Thậm chí, người dân còn có thể khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa.
Trung bình 1ha dừa lưu giữ 25-75 tấn CO2
Tại Sokfarm (Nông nghiệp hạnh phúc) của vợ chồng Thạch Thị Chal Thi và Phạm Đình Ngãi, cây dừa hữu cơ được trồng để lấy mật. Từ mật hoa dừa có thể làm ra các sản phẩm như: nước tương, dấm mật, đường mật, mật hoa dừa lên men, hạt ca cao và mật hoa dừa…
Xét về giá trị kinh tế, anh Phạm Đình Ngãi cho biết, một chùm hoa dừa đạt năng suất thường đậu khoảng một chục trái dừa, giá bán hiện tại khoảng 50.000 đồng. Nếu khai thác mật, mỗi chùm hoa dừa sẽ cho khoảng 25 lít, tương đương 250.000 đồng. Như vậy, chỉ cần có 20 gốc dừa, một hộ nông dân có thể thu được 6 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, Sokfarm đã có gần 50 hộ liên kết trồng dừa hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế để lấy mật hoa.
Theo chị Thạch Thị Chal Thi, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, dừa là cây trồng chịu được hạn mặn ở ĐBSCL. Thế nên, Sokfarm đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ liên kết được với 500 nông hộ và tiến tới liên kết với 1.000 nông hộ vào năm 2035.
Bởi, ngoài trồng dừa khai thác mật, cây dừa còn đóng góp lớn vào việc chống biến đổi khí hậu. Do đó, vợ chồng anh Ngãi đang tìm hiểu và thực hiện các quy trình để bán tín chỉ carbon từ cây dừa.
Theo nghiên cứu, với mỗi cây dừa trồng hơn 10 năm, số tín chỉ carbon có thể tính như giá trồng cây rừng là khoảng 1 USD/cây. Hiện nông trại có 25.000 cây dừa đã trên 10 năm, số tiền thu về ít nhất là 25.000 USD cho người nông dân, chưa kể mỗi năm lại trồng thêm dừa.
Đây là khoản tiền mà những người nông dân chưa bao giờ nghĩ mình có thể thu được từ việc trồng cây bình thường, anh chia sẻ.
Giữa tháng 4, tỉnh Bến Tre cũng bắt đầu thực hiện đánh giá tiềm tham gia thị trường carbon của tỉnh. Trong đó, nghiên cứu và xây dựng tín chỉ carbon tỉnh Bến Tre trong các lĩnh vực, tập trung cho đối tượng cây dừa.
Trong xu thế phát triển bền vững và giảm phát thải, hiện nay thị trường tín chỉ carbon trở thành cơ hội hấp dẫn cho ngành nông nghiệp nói chung và các vùng chuyên canh dừa ở Bến Tre nói riêng.
Hiện, tỉnh Bến Tre có trên 79.000ha vườn dừa. Ước tính trung bình 1ha dừa có thể lưu giữ từ 25-75 tấn CO2. Với giá bán tín chỉ carbon thấp nhất là 5 USD/tấn CO2 như hiện nay, tỉnh Bến Tre có thể thu về 10-30 triệu USD từ cây dừa.
Nông dân sẽ có thêm nguồn thu từ bán tín chỉ carbon
Ở nước ta, dừa là một trong những cây công nghiệp chủ lực. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn cầu với diện tích khoảng 188.000 ha, chủ yếu tập trung tại Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu ngành dừa đạt 900 triệu USD. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, nhận định, khoảng cuối năm 2024 kim ngạch xuất khẩu dừa có thể đạt 1 tỷ USD.
Theo bà Thanh, sản phẩm của ngành dừa rất đa dạng. Từ cây dừa có thể làm thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ… Theo đó, cây dừa tạo ra nguồn thu nhập cho khoảng 390.000 hộ nông dân Việt Nam.
Đáng chú ý, trong bối cảnh Việt Nam cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (net zero) vào năm 2050, giá trị kinh tế của cây dừa sẽ tiếp tục được nâng lên thông qua việc bán tín chỉ carbon. Bởi, 1ha dừa mỗi năm có hấp thụ được 70-75 tấn CO2.
Một chuyên gia tính toán, với diện tích dừa đang có và khả năng hấp thụ carbon của cây trồng này, khi bán tín chỉ carbon theo mức giá tương tự như tín chỉ carbon rừng (5 USD/tấn CO2) thì ngành này có thể thu thêm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết, muốn có tín chỉ carbon từ dừa thì phải thay đổi các biện pháp trồng trọt hoặc đầu tư công nghệ mới để giảm phát thải khí nhà kính.
Theo ông, người nông dân phải làm dự án trình cơ quan có chức năng để được phê duyệt và đăng ký với đơn vị thu mua, thẩm định.
Đơn cử, tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 79.000 ha diện tích trồng dừa, muốn tham gia thị trường carbon, người dân (hoặc thuê đơn vị có chức năng) phải đo được hiện trạng ban đầu diện tích dừa này hấp thụ bao nhiêu carbon trong tự nhiên và thải ra tự nhiên bao nhiêu khí nhà kính từ các hoạt động liên quan như bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, đốt lá dừa, xơ dừa, và các loại phế phụ phẩm…
Từ những con số trên đưa ra biện pháp để giảm phát thải bằng cách giảm phân hóa học, giảm thuốc trừ sâu, chế biến lá dừa, xơ dừa… Trong quá trình thực hiện, người dân phải ghi chép nhật ký thực hành giảm carbon, đặt máy đo lượng khí thải carbon tại vườn dừa để đo thông số môi trường nhằm xác định lượng carbon thải ra.
Số tín chỉ thu được sẽ là lượng carbon thải ra chênh lệch sau khi thực hiện dự án so với hiện trạng ban đầu trên mỗi ha dừa/năm. Quá trình thực hiện này sẽ có đơn vị phụ trách đo lượng carbon phát thải ra môi trường, có công ty thẩm định và cấp tín chỉ carbon cho dự án. Khi có tín chỉ mới tham gia được thị trường mua bán, ông Hải cho hay.