“Mấy năm nay chúng tôi luôn trong quá tải đơn hàng, chuối không ế bao giờ, kể cả khi dịch Covid-19 bùng phát”, ông Lý Minh Hùng - Giám đốc HTX Thanh Bình - hào hứng nói về thành quả khi chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp từ “nâu” sang “xanh”.
Lời tòa soạn:
Net Zero đang là xu hướng chung trên toàn cầu. Trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Thị trường carbon toàn cầu đang phát triển nhanh cả về thị phần giao dịch cũng như các tổ chức tham gia.
Việt Nam là một trong số 60 quốc gia trên thế giới có khả năng bán tín chỉ carbon từ rừng và nông nghiệp. Loạt bài Khai thác tiềm năng tín chỉ carbon, thu nghìn tỷ do VietNamNet thực hiện góp thêm góc nhìn về tiềm năng và thị trường tín chỉ carbon hiện nay, đồng thời thể hiện nỗ lực của ngành nông nghiệp trong giảm phát thải, hướng tới bán tín chỉ carbon.
Ông Lý Minh Hùng cũng nhắc đến mục tiêu dán nhãn xanh cho các sản phẩm và bán tín chỉ carbon từ cánh đồng chuối rộng 320ha của HTX khi trò chuyện với PV. VietNamNet. Đây là con đường tất yếu, không đi theo sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Lấy của đất cái gì thì phải trả lại cho đất cái đó
- HTX Thanh Bình làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn được vài năm nay và gặt hái được nhiều thành công. Vậy trước khi chuyển đổi mô hình sản xuất thì nông dân canh tác như thế nào thưa ông?
Ông Lý Minh Hùng:
Tôi đã gắn bó với cây chuối ở Trảng Bom (Đồng Nai) hơn 2 thập kỷ và nếm trải đủ đắng - cay - mặn - ngọt. Bởi suy nghĩ và cách làm của người trồng chuối rất đơn giản. Mọi người xung quanh trồng chuối thế nào, tôi cũng làm vậy. Thấy vườn bên cạnh vô thuốc bảo vệ thực vật, vô phân bón hoá học thì mình cũng làm theo.
Lâu dần đất bạc màu, phải bón nhiều phân thuốc hơn, tồn dư lượng lớn trong đất, ô nhiễm môi trường. Giá chuối cũng bấp bênh, đầu ra không đảm bảo.
Năm 2017, hàng ngàn tấn chuối già Nam Mỹ ở “thủ phủ” chuối Đồng Nai bị ứ đọng, phải vứt bỏ, cho dê, bò ăn,... khiến người nông dân điêu đứng. Bản thân tôi cũng lao đao vì chuối, thu không đủ bù chi, khó khăn chồng chất.
Sau này, tôi tập hợp các hộ dân góp vốn thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình để sản xuất chuối hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn. Quyết tâm làm ăn lớn!
Tôi nghĩ, mình lấy của đất cái gì thì phải trả lại cho đất cái đó. Đất khoẻ, con người cũng khoẻ. Thế nên, tất cả diện tích trồng chuối của HTX đều thực hiện theo nguyên tắc không sử dụng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật hoá học (những thứ gây tác động tới môi trường, hiệu ứng nhà kính - PV).
Các bộ phận của cây chuối đều được tận dụng, gần như không bỏ đi thứ gì.
Như vỏ chuối đem ủ phân hữu cơ, lá chuối tạo lớp mùn cho đất tơi xốp. Cùi buồng chuối cũng được tận dụng để sản xuất chén, bát... Phần bẹ chuối đem làm xơ, sợi, hoặc đơn giản là phơi khô đem bán với giá 8.000 đồng/kg. Đây chính là phần tạo ra giá trị gia tăng từ cây chuối nhưng lại thân thiện môi trường.
Quả chuối tươi đủ chuẩn được đóng thùng xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Âu, châu Á… Có tháng HTX xuất đi gần 200 container hàng. Những quả có mẫu mã xấu tôi đưa vào làm tinh bột, chuối sấy.
Đây là hướng sản xuất bền vững, làm nông nghiệp xanh. Tôi nghĩ trong tương lai ai cũng sẽ phải chuyển đổi như vậy chứ không phải chỉ riêng mình HTX Thanh Bình.
- Lý do nào khiến ông quyết định thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp từ “nâu” sang “xanh”?
Ở nước ngoài, sản xuất nông nghiệp thuận tự nhiên, tuần hoàn áp dụng công nghệ khoa học đã được thực hiện từ lâu. Vòng tròn giá trị này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Đi Hàn Quốc tham quan các mô hình nông nghiệp, trong đó có mô hình trồng sâm, tôi thấy họ chuyển đổi sang làm nông nghiệp sạch, hữu cơ từ lâu, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau đó, đi Mỹ, châu Âu và các nước khác, tôi học thêm được nhiều thứ về sản xuất nông nghiệp xanh, muốn về áp dụng trên cánh đồng chuối của mình.
Nhưng điều thôi thúc tôi chuyển đổi là giá thành và đầu ra sản phẩm. Nhiều người quan điểm làm hữu cơ giá thành cao đó là sai lầm. Thực tế, càng làm hữu cơ và tuần hoàn lâu thì chi phí sẽ càng thấp. Vì đất tơi xốp, cây tươi tối khoẻ mạnh sẽ giảm bớt lượng phân bón, ít sâu bệnh. Đặc biệt, sản phẩm hữu cơ đảm bảo an toàn thực phẩm, thị trường đón nhận nên bài toán đầu ra được giải quyết.
Ngày xưa gặp tình trạng bí đầu ra, ế ẩm phải bán giá rẻ. Giờ làm hữu cơ chuối dễ bán lắm. Hiện nay, HTX luôn trong tình trạng quá tải đơn hàng, phải từ chối bớt khách vì không làm xuể.
Sản phẩm xuất khắp đi khắp các quốc gia châu Âu, Á, Trung Đông... Hàng không ế bao giờ, cả khi dịch Covid-19 bùng phát HTX vẫn đóng hàng xuất khẩu bình thường. Có tháng chúng tôi đóng gần 200 container chuối xuất khẩu đi các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thị trường bắt đầu áp chuẩn “xanh”, không làm sẽ bị đào thải
- Thuyết phục người nông dân tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn cùng HTX có khó không thưa ông?
Rất khó đấy. Chỉ nói thôi thì không ai theo cả. Tôi cho các hộ nông dân nhìn thấy hiệu quả từ thực tế mình làm. Đầu tiên họ đến xem, sau về xét và làm theo.
Cứ thế từ vài hộ giờ HTX vài chục hộ dân tham gia liên kết sản xuất. Quy mô vùng trồng hiện nay đã lên tới 320ha. Quan trọng hơn, quy mô sản xuất càng lớn thì càng dễ bán hàng.
- Thực tế, nhiều người nông dân sợ rủi ro nên ngại thay đổi. Vậy, ông có thể thông tin rõ hơn về hiệu quả kinh tế khi chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng bền vững này?
Xét về sản lượng chuối thì làm theo phương thức truyền thống hay hữu cơ đều tương đương nhau. Năm trước, 1ha cho doanh thu khoảng 600-700 triệu đồng.
Tuy nhiên, sản xuất theo cách truyền thống không giảm được chi phí, còn làm nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn chi phí càng ngày càng giảm. Tôi nhẩm tính, chi phí sản xuất của các xã viên liên kết hiện nay có thể giảm được 30% so với canh tác truyền thống.
Với người nông dân, chi phí đầu vào giảm, giá bán tương đương thì lợi nhuận sẽ tăng cao.
Hiện, 1ha trồng chuối của HTX, nông dân đạt lợi nhuận trung bình 200 triệu/năm, ngoài ra còn thu thêm khoảng 50-70 triệu đồng từ sản phẩm giá trị gia tăng khi làm nông nghiệp tuần hoàn.
- Nông nghiệp giảm phát thải, nông nghiệp xanh hay Net Zero trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm. Với ông thì sao?
Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn mà HTX đang làm cũng là nông nghiệp xanh, góp phần giảm phát thải. Tôi còn định hướng cánh đồng chuối của HTX sẽ bán tín chỉ carbon. Sản phẩm thì dán nhãn xanh.
Khi đạt tất cả các tiêu chuẩn từ an toàn thực phẩm đến “xanh”, sản phẩm của mình sẽ như cô gái đẹp mà ai cũng thích.
Hơn một năm trước, tôi đi qua Đức và Ý đã thấy họ áp dụng những tiêu chuẩn xanh trên hàng hóa. Thế nên, mình buộc phải làm để đưa sản phẩm vào các thị trường này, nếu không sẽ bị đào thải.
Thực tế, trong lộ trình tiến tới Net Zero, yếu tố quyết định chính là thị trường. Bởi, xu hướng tiêu dùng trên thị trường sẽ quyết định đến sản xuất. Nếu cứ làm theo cách cũ tôi sẽ không mua hàng của ông nữa. Từ đó có thể suy ra, người nông dân nếu không thay đổi thì sẽ bị đứng ngoài cuộc chơi.
Song, đến nay nhiều nông dân vẫn còn “mù mờ” về thị trường, ngại thay đổi.
Để thúc đẩy chuyển đổi, tôi nghĩ Chính phủ cần khuyến khích cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn bằng những chính sách hỗ trợ. Vì trong chuyển đổi nhiều khi người sản xuất bị “mệt”, có chính sách hỗ trợ sẽ giống như những viên thuốc bổ giúp họ khỏe lên, đi tiếp trên con đường đó.
Nắm rõ thị trường, trăm trận đều thắng
- Nắm rõ thị trường thông tin của từng thị trường có phải là chìa khoá để HTX thành công, bán chuối không biết đến chữ “ế”?
Trước tiên phải có hàng tốt. Phải làm thật. Khi làm thật thì không cần giấy chứng nhận cũng sẽ xuất bán được hàng. Còn đôi khi có giấy chứng nhận đóng vào khung kính trang trọng nhưng sản phẩm lại không bán được thì cũng không có giá trị gì.
Với quy trình sản xuất hiện nay, HTX Thanh Bình tự tin bán hàng vào bất cứ thị trường nào. Thậm chí với khách hàng Nhật Bản, chúng tôi tự tin cho họ đem hàng đi kiểm nghiệm ở bất cứ cơ quan hay trung tâm nào để test các chỉ số trong tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Song, thị trường vẫn quyết định tất cả. Là người sản xuất và làm kinh doanh, mình phải tìm hiểu thị trường để biết nguồn cung, nguồn cầu. Hàng của mình có thể vào phân khúc nào.
Khi sản xuất chuối, tôi đều phải tìm hiểu các quốc gia cung cấp chuối trên thế giới để nắm rõ từ mùa vụ thu hoạch cho đến đặc điểm, chất lượng, thị trường tiêu thụ của họ. Năm nay, chuối của quốc gia nào bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, chất lượng ra sao...
Hay như văn hoá tiêu dùng của từng thị trường cũng phải hiểu tường tận. Chuối đóng hộp xuất khẩu châu Âu khác với xuất sang Nhật Bản, Trung Quốc,... Bởi, mỗi thị trường có văn hóa riêng.
Tại sao ở mình bán chuối cả nải, còn thị trường khác đóng gói 4 trái? Đó là văn hoá tiêu dùng, 1 gia đình 4 người mỗi người ăn 1 trái chuối thì chỉ cần mua 4 trái là đủ, họ không muốn mua dư. Hay như Trung Quốc lúc cần sẽ mua ào ào, lúc khác không mua. Mình đừng trách họ vì văn hóa tiêu dùng tùy vào mỗi thời điểm. Nhu cầu thị trường vào thời điểm đó cao thì họ tăng mua và ngược lại.
Từ những thông tin đó, tôi tính toán cân đối sản xuất của mình, tránh dư thừa; đồng thời chủ động khi đàm phán hợp đồng mua bán.
Thế nên, thông tin thị trường quyết định sản xuất. Mình phải chủ động nắm rõ để “trăm trận đều thắng”, không thể làm mù mờ mãi được.
- Hiện nay diện tích chuối của HTX đã lên tới 320ha, ông có dự định mở rộng liên kết trong thời gian tới?
Có chứ. Tôi quan điểm không chỉ doanh nghiệp mà nông dân cũng phải làm ăn lớn. Manh mún nhỏ lẻ thì khó bán hàng lắm. Sản lượng nhỏ không cho phép ký đơn hàng lớn.
Tại sao chúng tôi bán được nhiều chuối là vậy? Vì khách hàng họ biết được vùng trồng của HTX, biết được quy trình chăm sóc và chất lượng sản phẩm như thế nào. Họ thấy được quy mô và khả năng cung ứng hàng ra sao.
Tâm lý chung của khách hàng là muốn tìm đến những nhà cung ứng được khối lượng hàng hoá lớn nên sản xuất ở quy mô chỉ phục vụ được 1-2 container hàng thì khó làm.
HTX Thanh Bình cung ứng được hàng trăm container chuối cho khách hàng ở các quốc gia mỗi tháng. Với mỗi thị trường, chúng tôi có một vùng trồng phù hợp, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn của họ. Thế nên, sản phẩm không ế bao giờ.
Tôi mong người nông dân hãy năng động lên, cùng quy tụ thành tổ hợp tác, hợp tác xã để làm ăn lớn. Hợp tác xã làm tốt thì ngang với một tập đoàn, doanh nghiệp lớn.