Thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 862,9 triệu USD, giảm 13,7% so với tháng 8/2022, nhưng tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng ở mức 2-3 con số.
Trong tháng 9, Trung Quốc chi khoảng 146,3 triệu USD để mua các loại tôm cá Việt Nam, tăng 117,6% so với cùng kỳ năm ngoái và trở thành khách hàng lớn nhất của thủy sản Việt xuất khẩu trong tháng này. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 142 triệu USD, tăng trên 90% so với cùng kỳ.
Ngược với hai thị trường trên, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong tháng 9 giảm 9,6%, chỉ đạt 142,8 triệu USD. Với con số này, Mỹ lui xuống trở thành khách hàng lớn thứ hai, sau Trung Quốc.
Tính hết tháng 9 năm nay, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 8,49 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Dù xuất khẩu tôm cá sang thị trường Mỹ chững lại và giảm trong những tháng gần đây, song tính chung 9 tháng năm 2022, Mỹ vẫn là khách hàng lớn nhất, chi khoảng 1,77 tỷ USD mua tôm cá Việt, tăng 21,7% so với cùng kỳ.
Theo sau đó là Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,27 tỷ USD, tăng 32.8%. Thị trường Trung Quốc xếp thứ ba, đạt 1,21 tỷ USD, tăng 85%.
Chuyên gia nhận định, trong 3 tháng cuối năm 2022, xuất khẩu thủy sản nhiều khả năng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên 15% so với cùng kỳ năm 2021 khi xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... bù đắp cho phần giảm xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu ngành hàng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Bước vào tháng 9, nguồn cung nguyên liệu đã không chịu biến động lớn do tác động tích cực từ giá xăng dầu giảm. Nhu cầu tăng trở lại khi các nhà nhập khẩu giải quyết được vấn đề tồn kho.
Ông kỳ vọng cuối năm nay, thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại sau chính sách Zero-Covid. Khi đó, xuất khẩu sẽ đi vào ổn định và phát triển tốt trong năm 2023.