Xem lại bài 1: “Giá như chúng ta quyết liệt hơn”
Tuần Việt Nam tiếp tục giới thiệu phần 2 cuộc trò chuyện đầu xuân với Tiến sĩ Võ Trí Thành về những thời cơ và thách thức trong năm 2023.
Thủ tướng cũng đang đau đầu tìm điểm cân bằng giữa tăng trưởng lạm phát, thưa ông?
Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ có 2 nhóm, trong đó có nhóm bảo thủ. Bảo thủ ở đây theo nghĩa chặt chẽ, thận trọng. Nhóm bảo thủ ở các nước phát triển rất quan tâm đến lạm phát, hiểu đơn giản là trong chính sách tiền tệ cho trọng số ổn định cao hơn chút. Cái lí của nó ở chỗ, đối với tài chính tiền tệ chỉ nhỡ hơn tí là rất mệt, tổn phí cao và khó đỡ.
Còn nhóm kia thường ở các nước đang phát triển vì các nhà điều hành luôn bị áp lực với tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Chỉ có ở Việt Nam, Thủ tướng mới chỉ đạo giảm lãi suất được như thế. Ở các nước phát triển, ngân hàng thương mại hoạt động độc lập, muốn lái ngân hàng thương mại thì chính sách tiền tệ do ngân hàng TƯ độc lập quyết định, Thống đốc quyết định chứ Tổng thống cũng không quyết định được. Còn Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ là thành viên của Chính phủ, vai trò Thống đốc xếp cuối cùng trong các Bộ trưởng. Vì vậy, nhiều nước nhiệm kì Thống đốc lệch pha với nhiệm kì Tổng thống, thường dài hơn nhiệm kì Tổng thống, đó là độc lập về mặt chính trị lẫn mục tiêu.
Còn luật của mình mục tiêu là ngân hàng nhà nước không có quyền, chỉ xây dựng cùng các bộ ngành rồi đệ trình Chính phủ, sau đó Chính phủ báo cáo Quốc hội. Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ được độc lập về công cụ, hay còn gọi là tự chủ. Cũng phải nói thêm, điều hành của mình khá khó và chưa tốt, chẳng hạn mối quan hệ tương tác giữa lãi suất và các công cụ của ngân hàng nhà nước. Ở các nước có nền tài chính phát triển điều hành việc này tốt hơn.
Tỷ giá, lãi suất cao như thế làm sao giúp cho nền kinh tế và hàng hóa Việt Nam trở nên cạnh tranh, thưa ông?
Câu chuyện này đã nói nhiều lần rồi. Trước đây vẫn có những tranh cãi lãi suất 10% sao tôi sống được. Về nguyên tắc, ai cũng muốn lãi suất thấp nhưng lãi suất chỉ thấp khi chúng ta ổn định vĩ mô và phải là lãi suất thực chứ không phải danh nghĩa. Chẳng hạn, lãi suất Việt Nam hiện nay 8-9%, lạm phát là 5%. Nếu nhìn vào lãi suất thực như vậy vẫn còn thấp.
Nếu lãi suất thực tính chính xác nữa là lãi suất cho vay với lạm phát kì vọng. Đến thời điểm này, lạm phát so với cùng kì 4,6% - 4,7%, lãi suất vay ngân hàng 8% - 9% nhưng tính đúng là 8% - 9% với lãi suất kì vọng.
Quay lại câu chuyện vì sao Việt Nam đặt mục tiêu là 6,5% và 4,5%? Vì phía trước khó khăn, xuất khẩu giảm, tiêu dùng mức tăng khó. Nhờ du lịch và tiêu dùng nội địa. Xuất khẩu năm tới đạt có 6%. Chúng ta có cơ hội Trung Quốc mở, và bây chỉ chờ vào đầu tư công. Con số 4,5% là áp lực lạm phát còn khá mạnh do độ trễ năm cũ chuyển sang, một số dự án nhà nước đang kiểm soát phải tháo, giá điện tới đây không thể giữ được vì EVN đã lỗ rồi.
Tôi dự tính nhiều khả năng phương án 5%. Hiện nay, một số giá dịch vụ vẫn đang kìm chế. Mình nới lạm phát để có dư địa hơn cho chính sách tiền tệ. Hi vọng, FED tăng lãi suất 0,5% thôi.
Nhưng hãy cùng lạc quan nhìn nhận rằng, thời kì áp lực nhất, khó khăn nhất dường như đã qua đi. Bây giờ đau đầu nhất là thị trường tài chính, xử lí trái phiếu, các dự án bất động sản cần đi vào thực chất hơn.
Rõ ràng năm 2023 là năm khó khăn và thách thức đan xen nhưng dù có thế nào, chúng ta vẫn phải tiếp tục tiến lên phía trước. Vậy chúng ta cùng hi vọng những điều tốt đẹp năm 2023 thế nào thưa ông?
Nhiều dự báo cũng cho rằng nếu có suy thoái cũng là suy thoái nhẹ; kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm. Kinh tế Trung Quốc năm 2023 lại tăng trưởng tốt hơn năm 2022 (4,4% so với 3,2%) do nới lỏng chính sách zero-covid và bình ổn đựơc thị trường bất động sản. ASEAN-5 (có Việt Nam) giảm tốc đôi chút (4,9% so với 5,3%), nhưng khả năng chống chịu vẫn khá cao.
Áp lực tài chính-tiền tệ từ bên ngoài nhiều khả năng sẽ dịu bớt. Chính sách của FED sẽ “bồ câu” hơn, cả về cường độ và tần suất tăng lãi suất. Lạm phát cao toàn cầu sẽ qua đỉnh và giảm dần trong năm tới. Biến động đầu tháng 12/2022 trên thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam đã cảm nhận được sự dịu bớt đó. Tỷ giá VND/USD chỉ còn mất giá trên 4%. Ngân hàng nhà nước đã nới thêm 1,5% - 2% room tín dụng 2022.
Thực hiện đầu tư công và cả Chương trình phục hồi và phát triển cho tròn trịa không đơn giản nhưng chắc sẽ được đẩy nhanh hơn. Cam kết rõ ràng và cách xử lý thích hợp những vấn đề tài chính – tiền tệ nổi cộm cùng tiếp tục triển khai cải cách cơ cấu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tạo lại niềm tin thị trường, từ đó thúc đẩy đầu tư và cả tiêu dùng.
Nói thêm ở đây về FDI vào Việt Nam. FDI vào Việt Nam đều có xu hướng giảm trong ba năm qua. Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều tiềm năng thu hút FDI có chất lượng, nhất là khi dòng vốn FDI đến với mỗi quốc gia là khác biệt và mang tính lựa chọn cao. Độ hấp dẫn FDI tùy thuộc nhiều vào cách dịch chuyển các chuỗi cung ứng/chuỗi giá trị toàn cầu gắn với lợi thế so sánh, môi trường kinh doanh, khả năng kết nối và tiếp cận thị trường (như FTAs), niềm tin đối tác, việc bắt nhịp CMCN 4.0, kỷ nguyên số và sự đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh nhiều trong số các nhân tố đó, như một nghiên cứu của ERIA (2022) đã chỉ ra, chính sách thúc đẩy sự hình thành các cụm liên kết ngành (industrial clusters) cũng rất có ý nghĩa trong thu hút các tập đoàn đa quốc gia.
Với Khó khăn – Hy vọng – Nỗ lực, năm 2023 Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thấp hơn 2022 và lạm phát khoảng 4,5%, cao hơn 2022.
Đáng nói hơn con số là thông điệp: Trong một thế giới nhiều bất trắc, đổi thay, đầy gam màu sáng tối thì rất cần “vượt nguy, tận cơ”, “tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại”, và càng cần “hành động quyết liệt, khôn khéo, linh hoạt”.
Hy vọng và cao hơn là niềm tin kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, ổn định và phát triển bền vững.
Lan Anh