Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam ông Giorgio Aliberti nói về những triển vọng trao đổi thương mại đã vươn lên tầm cao từ Hiệp định Thương mại song phương EVFTA.
Kết quả kinh tế xuất sắc
Đầu tiên, tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam với những kết quả xuất sắc của nền kinh tế trong năm 2022. Trong bối cảnh có những biến động đầy thách thức của kinh tế toàn cầu, các số liệu về kinh tế vĩ mô là rất khả quan.
Kết quả hoạt động kinh tế của Việt Nam năm 2022 như vậy thể hiện sự điều hành tốt và việc triển khai kịp thời các chính sách vĩ mô phù hợp trong thời kỳ hậu đại dịch. GDP của Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 8,02%, mức tăng trưởng GDP cao nhất trong hơn mười năm qua. Lạm phát được kiềm chế ở mức 3,15%, thấp hơn nhiều mục tiêu Quốc hội đề ra.
Điều đáng chú ý là trong một bối cảnh toàn cầu phức tạp như vậy, khi các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá nhiên liệu thế giới tăng cao và nguồn cung lương thực thiếu hụt, Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hai con số và tổng kim ngạch thương mại toàn cầu đạt 732 tỷ USD.
Hơn nữa, ngân sách Nhà nước thậm chí còn có thặng dư và thu ngân sách tăng gần 20% so với kế hoạch. Tôi ấn tượng với sự thể hiện xuất sắc này.
EVFTA mở ra cơ hội chưa từng có
Tôi tin chắc rằng, Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) đã góp phần quan trọng vào thành công này. Các con số đã nói lên tất cả. Số liệu mới nhất từ Eurostat cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của quan hệ xuất nhập khẩu song phương từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2022.
Xuất khẩu hàng hóa của EU sang Việt Nam tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 9,2 tỷ Euro trong khi xuất khẩu của Việt Nam – điều tôi không quá ngạc nhiên – đã tăng đáng kể hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 37,9 tỷ Euro.
Việt Nam duy trì tốt vị trí dẫn đầu là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất trong số các nước ASEAN vào thị trường EU. Ấn tượng hơn, Việt Nam đã lọt vào danh sách 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới. Xu hướng tăng trưởng xuất khẩu sang EU như vậy chắc chắn sẽ tiếp tục và mục tiêu của quốc gia là xuất khẩu hàng hóa trị giá 1.000 tỷ USD ra thị trường thế giới vào năm 2025 là điều Việt Nam có thể đạt được khi người tiêu dùng châu Âu tiếp tục hướng sự quan tâm đến các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Triển vọng thương mại song phương giữa Việt Nam và EU sau hai năm thực thi EVFTA vẫn tươi sáng bất chấp những bất ổn toàn cầu và tình hình kinh tế chính trị phức tạp.
Tôi xin dẫn lại số liệu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc thực thi EVFTA để chứng minh cho luận điểm này. Kim ngạch thương mại hai chiều sau hai năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực (8/2020 – 7/2022) đã tăng lên 83,4 tỷ USD (bình quân 41,7 tỷ USD/năm). Con số này cao hơn 24% so với giá trị thương mại song phương trung bình hàng năm trong giai đoạn 2016 – 2019, trước khi có EVFTA.
Tỷ lệ tận dụng EVFTA của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng không ngừng tăng lên. Ban đầu là 14,8% vào năm 2020, tăng lên 20,2% vào năm 2021 và lên 24,5% trong sáu tháng đầu năm 2022 theo một khảo sát với 500 công ty Việt Nam của VCCI.
Nhiều nhà phân tích độc lập cho rằng, những thách thức toàn cầu hiện nay có thể đã gây ra những tác động tồi tệ hơn nhiều đối với nền kinh tế nếu như không có các FTA quan trọng như EVFTA. EVFTA đã đóng vai trò như một đệm đỡ hỗ trợ cho nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ bất ổn toàn cầu.
Vốn FDI từ Châu Âu còn khiêm tốn
Tuy nhiên, bức tranh đầu tư từ EU vào Việt Nam lại có vẻ kém khả quan hơn, phần lớn do bối cảnh kinh tế chính trị phức tạp toàn cầu từ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và đại dịch Covid-19.
Trong năm 2020, vốn FDI từ châu Âu vào Việt Nam là 1,38 tỷ USD, giảm 8,6% so với năm 2019. Năm 2021, vốn FDI tăng lên 1,41 tỷ USD, tăng nhẹ 2,2%. Đầu tư phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022 khi dòng vốn FDI từ châu Âu tăng đáng kể lên 2,46 tỷ USD, tăng gần 75% so với năm 2021.
Nhìn chung, EVFTA đã giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư từ châu Âu. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Mặc dù EU liên tục duy trì là nhà đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam nhưng con số này chỉ chiếm 0,35% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của EU trong năm 2021.
Nhận thức rõ thách thức này, chúng tôi đã và đang hợp tác chặt chẽ với EuroCham và các cơ quan chính phủ của Việt Nam để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các liên kết đầu tư giữa hai nền kinh tế.
Ví dụ điển hình nhất cho cách tiếp cận chủ động này là các chuyến thăm thành công tại Việt Nam vào năm 2022 của các đại diện chính trị cấp cao của Liên minh châu Âu: Cao ủy Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Janusz Wojciechowski và Cao ủy Môi trường, Đại dương và Nghề cá, ông Virginijus Sinkevičius.
Vào tháng 7 vừa qua, Cao ủy Janusz Wojciechowski đã dẫn đầu đoàn công tác về tiếp cận thị trường với sự tham gia của hơn 50 công ty nông nghiệp châu Âu đến Việt Nam. Các doanh nghiệp cùng đi đã tìm hiểu về các khả năng hợp tác kinh doanh với các đối tác địa phương.
Tháng 11 năm 2022, Cao ủy Virginijus Sinkevičius thăm Việt Nam và gặp gỡ với các vị lãnh đạo cao nhất của đất nước. Ông cũng tham dự Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế Xanh – GEFE 2022, một sự kiện quốc tế do EuroCham tổ chức nhằm thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh xanh và tạo thuận lợi cho các quan hệ đối tác giữa các công ty trong nước và quốc tế.
Những rào cản cần vượt qua
Việc thực thi EVFTA – mặc dù khá thành công – chắc chắn vẫn có một số thách thức. Nông nghiệp và dược phẩm là những lĩnh vực mà chúng tôi đã xác định được nhiều vấn đề nhất.
Hiện EU vẫn còn khoảng 60 hồ sơ chờ được cấp phép xuất khẩu sản phẩm động-thực vật vào Việt Nam, trong đó có một số hồ sơ đã chờ phê duyệt từ năm 2014.
Một ví dụ khác là việc gia hạn hiệu lực các giấy đăng ký lưu hành sản phẩm dược phẩm hết hạn.
Người Việt Nam đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm dược phẩm chất lượng tốt từ châu Âu, tuy nhiên, thủ tục pháp lý phức tạp và thực tế áp dụng hiện nay khiến cho việc nhập khẩu và phân phối kịp thời các sản phẩm này gần như không thể.
May mắn thay, những thủ tục không thân thiện với doanh nghiệp này đã dần được loại bỏ sau việc sửa đổi luật gần đây do Chính phủ và Quốc hội Việt Nam khởi xướng. Một mối quan tâm khác mà tôi muốn nhấn mạnh là về nỗ lực tạo thuận lợi thương mại mà Việt Nam đã làm khá tốt về mặt xây dựng luật nhưng chưa có sự áp dụng hiệu quả vào thực tiễn.
Thủ tục thông quan đối với hàng hóa nhập khẩu đã được cải thiện trong những năm qua nhưng một số chậm trễ là không thể tránh khỏi do các yêu cầu kỹ thuật và việc kiểm tra của một số cơ quan.
Tất cả những vấn đề này sẽ cản trở các doanh nghiệp Việt Nam và Liên minh châu Âu tận dụng tối đa các cơ hội thương mại và đầu tư do EVFTA mang lại.
Điều đáng mừng là Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ những bất cập đó và vẫn sẵn sàng hợp tác với EU để giải quyết những trở ngại này.
Lan Anh lược ghi