Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa giao Sở Nội vụ chuẩn bị cho việc thành lập tổ công tác xây dựng đề án mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô. UBND TP Hà Nội dự kiến báo cáo Bộ Nội vụ và Thủ tướng Chính phủ đề cương xây dựng thành phố mới trong tháng 3/2023.
Để giảm tải cho các quận nội thành hiện nay, TP Hà Nội đang tính đến việc xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại các huyện phía Bắc sông Hồng (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).
Thành phố mới phía Bắc sông Hồng được định hướng phát triển dịch vụ, hội nhập quốc tế. Hà Nội lấy sân bay Nội Bài là trung tâm phát triển của thành phố này.
Thành phố thứ hai trong lòng Thủ đô Hà Nội dự kiến được xây dựng ở phía Tây, khu vực Hoà Lạc hiện nay. Hà Nội định hướng đây sẽ là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo ở phía Tây.
Trao đổi với PV. VietNamNet, KTS Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc xây dựng hai thành phố mới trực thuộc Thủ đô ở khu vực sân bay Nội Bài và Hoà Lạc là phù hợp với mục tiêu giảm tải cho các quận nội thành hiện nay.
“Các quận nội thành của Hà Nội đang tồn tại rất nhiều vấn đề khó giải quyết như quá tải dân cư, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu trường lớp… Giải quyết vấn đề này, Hà Nội phải tạo ra cực tăng trưởng mới để giãn dân ở các quận nội thành”, KTS Ngô Doãn Đức nói.
Để kế hoạch xây dựng 2 thành phố mới sớm thành hiện thực, KTS Ngô Doãn Đức cho rằng, chính quyền TP Hà Nội phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần tập trung nguồn lực đầu tư. Bởi theo ông, hiện nay thành phố còn đang ‘nợ’ người dân việc xây dựng 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn).
“Quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011 với ý tưởng xây dựng 5 đô thị vệ tinh nhằm giảm tải cho nội đô. Hơn 10 năm đã qua, hình hài của 5 đô thị này chưa thấy đâu, còn nội đô lịch sử thì ngày càng chất tải thêm nhiều nhà cao tầng”, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ.
Theo ông Ngô Doãn Đức, nhà nước cần phải bỏ ‘vốn mồi’ để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho hai thành phố mới, từ đó các nhà đầu tư mới tìm đến Hoà Lạc, Nội Bài. “Cơ sở vật chất ở hai thành phố mới ít nhất cũng phải bằng hoặc hơn nội thành thì mới hình thành được cộng đồng dân cư”, KTS Ngô Doãn Đức cho hay.
Từ những vấn đề mà TP Thủ Đức (TP.HCM) gặp phải sau hơn 2 năm thành lập (từ tháng 12/2020), ông Đức lưu ý cơ quan chức năng cần nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp cho hai đô thị mới của Thủ đô. Bởi theo ông, nếu không phân cấp, phân quyền rõ ràng cho hai thành phố mới, thì sẽ không tạo được động lực phát triển.
“Tiềm năng, lợi thế của các thành phố mới là rất lớn. Nhưng nếu phải 'mặc cái áo quá chật', không có cơ chế, chính sách đột phá thì cũng không thu hút được nhân tài, nhà đầu tư, thậm chí cả người dân đến sinh sống, làm việc, học tập ở hai thành phố này”, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam lưu ý.
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng, TP Hà Nội không nên chỉ tập trung đầu tư cho các quận nội thành, mà phải dành nguồn lực để xây dựng các thành phố vệ tinh. Như vậy mới có không gian phát triển mới, từ đó mới giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu trường học và bệnh viện…
“Xây dựng được 2 thành phố mới, TP Hà Nội cần có nguồn lực đầu tư rất lớn. Do vậy, chính quyền thành phố phải đề ra được chiến lược hoạch định rất cụ thể những vấn đề trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, để không lặp lại những vấn đề mà các quận nội thành đang gặp phải, TP Hà Nội cũng phải tránh việc phá vỡ quy hoạch ở thành phố mới”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.
Theo ông Trương Xuân Cừ, việc Hà Nội đặt vấn đề xây dựng thành phố ở khu vực Hòa Lạc là một định hướng đột phá và khả thi, vì chính sách thành phố trong lòng thành phố đã có. Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đặt kỳ vọng Hoà Lạc và Nội Bài sẽ là thành phố thông minh, hiện đại trong tương lai.