Chiều 14/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đã chủ trì cuộc họp lần đầu tiên của Ban Soạn thảo, Tổ Giúp việc Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả thông tin cơ sở”.
Báo cáo vắn tắt đề cương Đề án, ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở cho biết: Thông tin cơ sở là một trong những lĩnh vực thông tin tuyên truyền có cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ kỹ thuật lạc hậu nhất hiện nay, vẫn đang loay hoay với 1.0 trong khi các ngành khác vươn lên 4.0.
Hoạt động thông tin cơ sở được tiến hành qua nhiều phương thức như đài truyền thanh cơ sở, bản tin, tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động… Trong đó đài truyền thanh cơ sở là hoạt động chủ lực. Cả nước có 9.613 đài truyền thanh cơ sở, cộng với 674 cơ sở truyền thanh – truyền hình cấp huyện. Hệ thống truyền thanh hiện nay chủ yếu theo công nghệ phát sóng FM.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì cuộc họp chiều 14/3 tại Hà Nội. |
Nhằm thay đổi, hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở, đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở, Bộ TT&TT đã bắt tay xây dựng Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả thông tin cơ sở” (đây là nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bộ TT&TT trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019).
Đề án sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm 2020 – 2025, với 3 nhiệm vụ chính. Một là xây dựng mô hình đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại (công nghệ thông tin, công nghệ số, viễn thông) về thiết bị kỹ thuật phát thanh, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng việc khai thác, lưu trữ và cung cấp nội dung thông tin, sản xuất nội dung chương trình, biên tập tin, bài phát thanh theo hướng hiện đại.
Hai là xây dựng trung tâm thu thập, phân tích, quản lý dữ liệu để đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở và cung cấp thông tin nguồn cho hệ thống thông tin cơ sở từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (phân quyền cung cấp thông tin) để tuyên truyền, phổ biến trực tiếp đến người dân.
Và ba là xây dựng phần mềm thu thập thông tin phản hồi (thiết lập app - ứng dụng trên mobile) để thu nhận, tổng hợp thông tin phản hồi từ người dân về chất lượng thông tin ở cơ sở. Người dân cũng có thể nghe lại thông tin đã số hóa trên ứng dụng mobile thay vì nghe qua đài phát thanh.
“Nhiệm vụ hai sẽ được liên thông kết nối dữ liệu với nhiệm vụ một để quản lý toàn bộ hệ thống đài truyền thanh cơ sở trong toàn quốc. Để cung cấp một công cụ thu thập dữ liệu đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở, cũng như cung cấp số liệu tổng hợp cho trung tâm thu thập, phân tích, quản lý dữ liệu thì nhiệm vụ ba phải xây dựng một ứng dụng mobile giúp người dân có thể phản hồi thông tin kịp thời, nhanh chóng”, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở phân tích thêm.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo lưu ý: “Thông tin cơ sở là bộ phận quan trọng của hệ thống thông tin tuyên truyền của chúng ta, nhưng lâu nay chưa được chú ý. Đây là nhiệm vụ phải tăng cường trong giai đoạn tới. Để nâng cao hoạt động thông tin cơ sở phải dựa trên công nghệ mới. Cần cố gắng triển khai đề án để đến năm 2025, hoạt động thông tin cơ sở sẽ chuyển hoàn toàn sang ứng dụng công nghệ mới”.
Thứ trưởng cũng lưu ý, việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giải quyết bài toán nhân sự, không tạo gánh nặng cho nhà nước, tiết kiệm ngân sách. Đề án cần làm rõ cơ chế xã hội hóa, thu hút sự tham gia của các bộ, ngành, doanh nghiệp… Đặc biệt, cần chú ý các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin khi ứng dụng công nghệ mới cho hoạt động thông tin cơ sở.
Theo kế hoạch dự kiến, đến cuối tháng 7/2019, Đề án sẽ được Bộ TT&TT trình Chính phủ để Chính phủ phê duyệt trong tháng 8/2019.