Liên quan đến những ý kiến trái chiều về dạy học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT):

Phóng viên: - Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ cấp tiểu học, trong đó đưa ra các yêu cầu như phải đảm bảo phù hợp tâm lý lứa tuổi, không gây áp lực, thời gian biểu phù hợp, phải tập huấn cho giáo viên,.... Tuy nhiên, thực tế nhiều địa phương đã tựu trường trước đó. Liệu đưa ra hướng dẫn ở thời điểm này liệu có chậm trễ không, thưa ông?

Trước hết, cần tiếp cận văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học là văn bản để đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm, những phương án xử lý trong tất cả các tình huống. Còn các văn bản quy định, hướng dẫn về các nội dung mang tính chất chuyên sâu cho từng lĩnh vực thì Bộ GD-ĐT đã từng ban hành trước đây.

Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ cấp tiểu học cũng có viện dẫn rất nhiều công văn khác kèm theo. Ví dụ, về quy định dạy học trực tuyến, qua truyền hình, Bộ GD-ĐT đã từng ban hành nhiều văn bản. Riêng đối với hình thức học trực tuyến đã có Công văn 1061/BGDĐT-GDTrH và Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT về các nội dung, cách thức và điều kiện đảm bảo để triển khai dạy học hình thức này.

Như vậy, việc dạy học trực tuyến như thế nào, chuẩn bị ra sao, phần mềm phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì, kho học liệu xây dựng ra sao,... đã được nêu rõ ở các văn bản trước đây.

Về tâm lý lứa tuổi của học sinh, trong quá trình triển khai chương trình theo các hướng dẫn về chuyên môn, đối với lớp 1, quy định một ngày bố trí không quá 7 tiết, mỗi tiết 35 phút. Vì vậy, cho dù dạy học trực tiếp hay trực tuyến thì vẫn phải đảm bảo nguyên tắc khoa học.

{keywords}
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng

- Về việc tập huấn cho giáo viên dạy học trực tuyến, ông có thể cho biết, ai sẽ là người soạn chương trình, tập huấn; yêu cầu của chương trình ra sao?

Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đối với từng cấp, các giáo viên đã được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn để phù hợp với đặc điểm, tâm lý lứa tuổi của học sinh và hình thức đổi mới dạy học.

Vì vậy, việc chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang trực tuyến vẫn phải xác định rằng đối tượng và chương trình cấp tiểu học. Do đó, khi thay đổi hình thức, các giáo viên phải cố gắng thay đổi làm sao tiệm cận và phát huy tối đa những phương pháp dạy học mà mình đã triển khai trong dạy trực triếp.

Như vậy, về kỹ năng, phương pháp dạy học để giúp học sinh tương tác với sách giáo khoa, với đồ dùng học tập hay với giáo viên, bạn bè trong quá trình triển khai thực hiện lại thiên về xử lý tính năng phần mềm, chứ không phải các kỹ năng, phương pháp nghiệp vụ của giáo viên.

Khi nhà trường đánh giá về điều kiện đảm bảo của trường về cơ sở vật chất, đường truyền, điều kiện phụ huynh học sinh và quyết định chọn phần mềm nào thì giáo viên được tập huấn về chính phần mềm đó. Nhà trường phải phối hợp với đơn vị cung ứng phần mềm để tập huấn cho giáo viên. Từ đó, giáo viên hướng dẫn phụ huynh, rồi phụ huynh hướng dẫn học sinh sử dụng phần mềm.

Cũng do một số nhà trường chưa làm tốt khâu tập huấn cho giáo viên sử dụng phần mềm chuyên dụng, do đó giáo viên chưa khai thác được tối đa tính năng ưu việt. Phụ huynh và học sinh cũng chưa thành thạo, nên trong quá trình triển khai bị hạn chế rất nhiều.

Như vậy, việc tập huấn văn bản hướng dẫn nêu được hiểu là tập huấn về các kỹ năng dạy trực tuyến, dạy qua truyền hình đối với những phần mềm cụ thể mà nhà trường lựa chọn. Còn tập huấn về phương pháp để nâng cao, thêm kỹ năng dạy qua trực tuyến, truyền hình thì Bộ GD-ĐT đã có các tài liệu, video minh họa, hướng dẫn các giáo viên xây dựng một bài dạy như thế nào. Hiện, Bộ đang tiếp tục xây dựng tài liệu và chương trình tập huấn cho giáo viên và dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 9 tới.

- Nhiều ý kiến cho rằng lớp 1 không thể học trực tuyến. Quan điểm của Bộ GD-ĐT như thế nào?

Nếu là điều kiện bình thường, một trong những nhiệm vụ của ngành giáo dục là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình triển khai nhiệm vụ dạy học. 

Trong điều kiện dịch bệnh, chúng ta rất khó dự báo khi nào kết thúc, vì vậy chúng ta phải sẵn sàng cho tất cả các kịch bản để thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”.

Học trực tuyến là không phù hợp với học sinh lớp 1, khi và chỉ khi chúng ta triển khai việc này một cách không bài bản, không đúng với các quy định, không đảm bảo các yêu cầu từ sắp xếp thời khóa biểu, chọn nội dung dạy, chọn phần mềm, cách thức triển khai của giáo viên, khả năng đồng hành của người thân học sinh,...

Khi thay đổi hình thức tổ chức dạy học, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng, thay đổi phương án triển khai thực hiện thì lúc đó dạy học trực tuyến mới phát huy hiệu quả.

{keywords}
 

- Xin ông nói rõ hơn thời gian biểu và việc dạy học với lớp 1, lớp 2 khi không thể đến trường như thế nào là phù hợp và không gây áp lực?

Trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và giáo dục môn học theo Thông tư 32, đối với tiểu học, khi dạy học trực tiếp đã phải đảm bảo học 2 buổi/ngày; 1 ngày bố trí không quá 7 tiết và mỗi tiết là 35 phút. Những quy định này dựa trên những nghiên cứu khoa học về tâm lý lứa tuổi.

Khi triển khai trực tiếp, thầy cô tổ chức linh hoạt để học sinh lứa tuổi này thường xuyên được thay đổi động tác, tương tác với sách giáo khoa, đồ dùng học tập để tăng sự hứng thú và sự tập trung. Vì vậy, khi học trực tuyến, cũng cần đảm bảo được các nguyên tắc trên để phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh lớp 1, 2.

- Việc xây dựng các bài giảng trên truyền hình sẽ được Bộ GD-ĐT triển khai như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, Bộ GD-ĐT cùng đồng hành với các địa phương và phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các bài giảng dùng chung cho tất cả các bộ sách giáo khoa. Đối với lớp 1, đã hoàn tất 56 chuyên mục học Tiếng Việt để giúp trẻ làm quen với học âm, vần và bước đầu sẽ hình thành được các kỹ năng về Nghe - Nói - Đọc - Viết theo yêu cầu cần đạt của chương trình.

Kho bài giảng này được, thiết kế rất linh hoạt, không phải học sinh chỉ ngồi để nhìn mà thiết kế có những lúc phải tương tác với chính giáo viên trong video (ví dụ giáo viên sẽ yêu cầu các em hãy đứng dậy cùng cô; nhìn vào sách và trả lời câu hỏi,...).  

Những bài học này được phát sóng trên kênh VTV7 từ ngày 6/9. Cùng đó, kho bài giảng này cũng được đưa lên VTVgo và cổng thông tin của Bộ GD-ĐT cũng thiết kế chuyên mục “Cùng em học lớp 1” để mọi người có thể xem, tải về.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang bắt tay vào việc xây dựng các môn học khác.

Các đài truyền hình địa phương có thể tiếp nhận chính kho bài giảng này để phát sóng. Giáo viên cũng có thể tải về gửi cho phụ huynh qua các ứng dụng như zalo, facebook, email,... để phụ huynh cho con em học tập với khung giờ phù hợp.

Bên cạnh đó, kho học liệu này cũng như những bài giảng mẫu qua truyền hình, các địa phương có thể tham mưu cho UBND cấp tỉnh và các cấp liên quan tăng cường sản xuất các kho học liệu dùng chung cho địa bàn mình. 

63 tỉnh, thành cùng thực hiện phương án này thì tôi tin chúng ta sẽ có một kho bài giảng dùng chung rất thuận lợi, sẵn sàng cho các phương án ứng phó với dịch bệnh.

- Với việc học trực tuyến hoặc qua truyền hình như hiện nay, ông có lưu ý gì với giáo viên?

Vẫn biết rằng không thể thay thế được đôi bàn tay của giáo viên khi hướng dẫn cho các học sinh lớp 1 những nét chữ đầu tiên. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh bất khả kháng vì dịch bệnh, chúng ta phải cùng đồng hành để “khi đến trường cô giáo như mẹ hiền và giờ khi ở nhà, mẹ cũng là cô giáo”.

Những nghiệp vụ, nội dung hướng dẫn về chuyên môn, tôi đề nghị giáo viên tăng cường tương tác, hướng dẫn phụ huynh cùng đồng hành. Cùng đó, chịu khó nghiên cứu, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.

Tôi cũng mong các phụ huynh đồng hành với các giáo viên, nhà trường để làm sao các học sinh vẫn có quyền được học thoải mái, hiệu quả trong môi trường đáp ứng được các yếu tố về sư phạm, chuẩn đầu ra của chương trình và chất lượng.

Thanh Hùng

Bộ GD-ĐT chỉ đạo việc dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1

Bộ GD-ĐT chỉ đạo việc dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1

Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các Sở GD-ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ cấp giáo dục tiểu học năm học 2021-2022.