Đẩy nhanh tiến độ, không để xảy ra tồn đọng công việc
Ngày 30/8, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 8/2024 của Bộ TT&TT.
Diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, hội nghị còn có sự tham dự của các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Phạm Đức Long, Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Thanh Lâm; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường cùng lãnh đạo cấp trưởng và phó các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ.
Số liệu thống kê được Văn phòng Bộ TT&TT cập nhật tại hội nghị cho thấy, 8 tháng đầu năm 2024, ngành TT&TT tiếp tục tăng trưởng cả về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách cũng như đóng góp vào GDP đất nước, với mức tăng trưởng từ 20 – 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong tháng 8, Bộ TT&TT đã chủ trì tổ chức chuỗi hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống ngành TT&TT, tiêu biểu như: Các lễ dâng hương tại An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên và Nghĩa trang liệt sĩ ngành TT&TT tại Tây Ninh; Tổ chức gặp mặt hơn 400 cán bộ hưu trí tại 3 miền Bắc, Trung và Nam; Trình chiếu 3D mapping tại tòa nhà Trụ sở Bộ để tái hiện lịch sử hình thành và phát triển ngành TT&TT; Tổ chức buổi trò chuyện của Bộ trưởng với toàn thể cán bộ, nhân viên trong Bộ về truyền thống, lịch sử của ngành và những cơ hội, thách thức, sứ mệnh, nhiệm vụ của thế hệ hiện tại.
Song song đó, nhiều hoạt động chuyên môn tiếp tục được các cơ quan, đơn vị trong Bộ duy trì ổn định và hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả rà soát của Văn phòng Bộ TT&TT cho thấy, bên cạnh gần 150 nhiệm vụ đã được các đơn vị hoàn thành trong tháng 8, hiện vẫn còn một số nhiệm vụ bị quá thời hạn lãnh đạo Bộ yêu cầu. Với những đơn vị còn nhiều nhiệm vụ thực hiện chậm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu lãnh đạo cấp trưởng các đơn vị này tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc, không để tình trạng tồn đọng các nhiệm vụ.
Quan điểm người lãnh đạo có trách nhiệm đầu tư công nghệ, phát triển các công cụ số để giảm tải, giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đỡ vất vả đã nhiều lần được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Tại cuộc gặp mặt toàn thể cán bộ, nhân viên trong Bộ TT&TT ngày 28/8, người đứng đầu ngành TT&TT đã chia sẻ về 2 việc đang được Bộ TT&TT tập trung triển khai để giảm tải cho người lao động, đó là: Phát triển trợ lý ảo phục vụ cán bộ, công chức; và triển khai hệ thống báo cáo trực tuyến với mục tiêu cụ thể là giảm 10 lần số lượng báo cáo từ các sở TT&TT về Bộ mỗi năm, qua đó cũng giảm thời gian các cơ quan, đơn vị trong Bộ phải xử lý báo cáo.
Kiểm tra tiến độ, kết quả triển khai 2 nhiệm vụ quan trọng kể trên là nội dung chiếm phần lớn thời gian của hội nghị giao quản lý nhà nước tháng 8/2024 của Bộ TT&TT. Trong đó, báo cáo trực tuyến được Văn phòng Bộ TT&TT triển khai thử nghiệm từ khoảng giữa tháng 7 đến nay, với định hướng là chuyển đổi số toàn diện công tác tổng hợp báo cáo, đồng thời tối ưu quy trình, giảm thiểu thời gian, chi phí và nhân lực.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Văn phòng Bộ TT&TT chuẩn bị báo cáo chuyên đề về việc triển khai hệ thống báo cáo trực tuyến, trên cơ sở làm việc với các cơ quan, đơn vị chuyên môn của Bộ và các sở TT&TT khu vực lân cận về nội dung thay đổi hình thức báo cáo của các cơ quan, đơn vị.
Chỉ rõ mục tiêu khi làm hệ thống báo cáo trực tuyến là tiến tới cấp dưới không cần phải báo cáo cấp trên, người đứng đầu ngành TT&TT cũng nêu yêu cầu: Từ số liệu được các sở TT&TT cập nhật định kỳ trên hệ thống, các cục trưởng, vụ trưởng sẽ phải làm ra được báo cáo hàng tháng hoặc đột xuất về tình hình hoạt động trong lĩnh vực do đơn vị mình phụ trách.
Xây dựng hệ tri thức là việc chính khi làm trợ lý ảo hỗ trợ công chức
Phần lớn thời gian của hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 8 đã được dành cho việc demo trợ lý ảo của Cục Chuyển đổi số quốc gia, Cục Thông tin đối ngoại, và những trao đổi, thảo luận để tìm ra cách làm khả thi, đặc biệt là việc xây dựng hệ tri thức xuất sắc của các đơn vị.
Bộ TT&TT đã xác định sẽ tiên phong trong ứng dụng trợ lý ảo vào hoạt động chuyên môn. Trợ lý ảo của Bộ TT&TT là sự kết hợp giữa hệ tri thức chuyên gia do con người xây dựng và mô hình ngôn ngữ lớn của trí tuệ nhân tạo. Qua việc thúc đẩy sử dụng trợ lý ảo hỗ trợ công việc, các đơn vị còn tích lũy được tri thức của tổ chức, là tài sản quý để lại cho các thế hệ kế tiếp.
Qua demo trợ lý ảo của 2 đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại quan điểm của Bộ trong phát triển trợ lý ảo phục vụ cán bộ, công chức, đó là việc xây dựng hệ tri thức là quan trọng, là việc chính; Sự xuất sắc của trợ lý ảo phục vụ cho cán bộ, công chức thì xuất sắc đầu tiên phải là hệ tri thức.
Trước băn khoăn của các đơn vị về việc làm sao đẩy nhanh xây dựng hệ tri thức, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi mở cách làm gồm các bước: Rà soát lại các câu hỏi hiện có xem đã phải là những câu hỏi thường gặp trong thực tiễn công việc của đơn vị hay không; Dùng ChatGPT trả lời các câu hỏi đơn; Chia nhỏ việc trả lời các câu hỏi mới, câu hỏi kép tích hợp nhiều nội dung cho các nhân viên trong đơn vị; Cuối cùng là ‘cứng hóa’ các câu trả lời qua việc họp đánh giá tính chính xác để thống nhất đưa vào hệ tri thức của đơn vị. Bước cuối cùng này nhằm đảm bảo rằng 1 quy trình, 1 việc thì hệ thống chỉ đưa ra 1 câu trả lời. “Đây chính là cách chúng ta sử dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước!”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao Thứ trưởng Phạm Đức Long chỉ đạo, tập trung làm nhanh trợ lý ảo của Cục Chuyển đổi số quốc gia. Sau đó, qua so sánh phương án làm trợ lý ảo tại Cục Chuyển đổi số quốc gia và Cục Thông tin đối ngoại, lãnh đạo Bộ sẽ thống nhất phương án và có hướng dẫn các đơn vị khác triển khai.