Tương tự như tín ngưỡng dân gian, tôn giáo trong cộng đồng cư dân ở Lâm Đồng cũng không kém phần đa dạng. Hầu như các tôn giáo lớn của đất nước đều tìm được chỗ đứng của mình trên xứ sở “thác đổ thông reo”, trong đó đạo Phật có số lượng tín đồ đông đảo nhất, kế đến là đạo Công giáo, Đại đạo Tam Kỳ Phổ Độ (đạo Cao Đài) và đạo Tin Lành.
Theo dòng lịch sử, các tôn giáo đã được du nhập vào vùng cao nguyên Lang Biang khá sớm, sự tăng trưởng về số lượng tín đồ, cơ sở thờ tự cũng như đội ngũ hành đạo chuyên nghiệp của các tôn giáo đều gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thành phố.
Điều đó cũng có nghĩa là cho đến những thập niên gần đây, sự tăng trưởng tín đồ tôn giáo ở thành phố cao nguyên này chủ yếu là tăng cơ học.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh có 7 tôn giáo với gần 800 ngàn tín đồ, chiếm 60% dân số.
Đầu năm ngoái, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức hội thảo “Phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo”, nhằm đánh giá thực trạng công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; qua đó, làm rõ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo.
Chia sẻ tại hội thảo cho thấy, trong những năm qua cùng với việc thực hiện tốt chính sách dân tộc, công tác dân tộc, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về vấn đề tôn giáo, công tác tôn giáo; chỉ đạo có hiệu quả công tác tôn giáo và thực hiện chính sách tôn giáo đạt nhiều kết quả tích cực; tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân; đoàn kết tôn giáo gắn với đoàn kết dân tộc; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo… qua đó, góp phần củng cố, phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc, tôn giáo thời gian qua bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung chưa đạt như mong muốn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo còn cao; khoảng cách so với vùng phát triển có xu hướng gia tăng; khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội còn thấp; quản lý công tác tôn giáo có lúc, có nơi còn chủ quan, buông lỏng; các hội nhóm tà đạo, hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi xuất hiện nhiều trên mạng xã hội…
Công tác tuyên truyền đã tham gia tích cực công tác dân tộc, tôn giáo, góp phần quan trọng vào việc giáo dục, động viên, cổ vũ đồng bào các dân tộc, tôn giáo phát huy tinh thần đoàn kết, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.
Với tỉnh Lâm Đồng, công tác dân tộc, tôn giáo được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong đó dành nhiều sự quan tâm cho công tác tuyên truyền. Từ đó định hướng cho người dân có niềm tin đúng đắn, tránh những hoạt động tín ngưỡng có biểu hiện lệch lạc, phản cảm.
Cùng với đó, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo được triển khai hiệu quả; đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, có đạo được quan tâm bồi dưỡng. An ninh tôn giáo được bảo đảm chinh là điều kiện quan trọng để Lâm Đồng củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.