Yên Thuận là xã xa nhất của huyện Hàm Yên đang hoàn thiện những công trình điện thắp sáng, trường học, trạm y tế, trụ sở xã, đường giao thông tới các thôn. Những đồi cam, nương chè, ruộng lúa xanh ngát, tràn đầy sức sống, thấp thoáng là những ngôi nhà sàn, nhà xây lợp tôn. Tiếng nói cười của những cô gái Mông, Dao đang vào vụ thu hái chè vang rộn cả núi rừng...

Vốn là xã khó khăn của huyện Hàm Yên, trong thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã Yên thuận luôn xác định xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, cấp ủy chính quyền xã đã đưa ra mục tiêu “Xây dựng nông thôn mới không chạy theo thành tích, giảm nghèo phải bền vững”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Yên Thuận đã đạt 10/19 tiêu chí (Quy hoạch, Thủy lợi, Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Thông tin và truyền thông, Lao động có việc làm, Tổ chức sản xuất, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Quốc phòng và an ninh), tuy là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (58,26% năm 2016), nhưng với cách làm thiết thực và hiệu quả, không chạy theo thành tích, cấp ủy chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chú trọng công tác phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào một số cây trồng chủ lực như chè, cây có múi, cây lâm nghiệp, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng.

Qua đó, đã tạo “cú hích” cho người dân làm nông nghiệp trong xã, đời sống của nhân dân đã dần từng bước được cải thiện và nâng lên, các hộ gia đình tập trung phát triển kinh tế, phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương cũng như đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, đưa những loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống còn khoảng 19,4%.

Trong những năm gần đây, cây chè đã thực sự trở thành cây trồng mang lại hiệu quả đáng kể cho người dân và người dân đã dần đầu tư vào phát triển trong việc trồng, chăm sóc và chế biến chè tại địa phương. Cây chè là một trong 3 cây chủ lực của xã Yên Thuận.

minhhoa.jpg

Hiện nay xã đang duy trì diện tích trồng chè hiện có trên 340 ha, năng suất bình quân 93 tạ/ha. Để cây chè có thể duy trì và phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, xã Yên Thuận đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, cán bộ khuyến nông tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc cây chè cho người dân.

Cây chè không phải cây trồng mới ở Yên Thuận nhưng đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo tại nơi đây. Đặc biệt những năm gần đây, người dân đã lựa chọn cây chè thay thế những loại cây trồng kém hiệu quả khác. 

Cùng với cây chè, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa cũng được cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Thời gian qua, người dân trên địa bàn xã đã chú trọng tăng quy mô đàn gia cầm, đàn trâu, đàn bò, đàn dê, phục hồi đàn lợn...

Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững ở Yên Thuận được cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các Hội, đoàn thể rất quan trọng. Bằng những công việc cụ thể, các cấp Hội đã có nhưng cách làm hiệu quả để người dân chủ động phát triển kinh tế, như Hội Cựu chiến binh xã Yên Thuận đã đứng ra tín chấp với tổng dư nợ gần 40 tỷ đồng để cho các hội viên vay phát triển sản xuất. Đồng thời phát động Phong trào Hội viên Cựu chiến binh tích cực giúp đỡ nhau về nguồn vốn, cây, con giống, kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mặt khác, để thực hiện công tác giảm nghèo đảm bảo hiệu quả, cấp ủy chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền để cán bộ, các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ và đúng về cơ chế chính sách giảm nghèo. Từ đó, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo xác định được ý chí, quyết tâm, tự chủ, tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng. Đặc biệt rà soát, phân loại hộ nghèo theo từng nguyên nhân để đề ra giải pháp giúp đỡ hiệu quả. Trong đó, tập trung cho hộ nghèo vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất.

Với quyết tâm xây dựng xã Yên Thuận đạt chuẩn nông thôn mới để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền xã Yên Thuận tiếp tục chủ động khắc phục khó khăn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về công tác giảm nghèovà các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, để đến năm 2024 xã Yên Thuận hoàn thành xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, huyện Hàm Yên đạt chuẩn Huyện nông thôn mới.

Lê Na và nhóm PV, BTV