Theo thông tin từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025”.
Các cấp, ngành, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tại Lạng Sơn đã thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đô thị văn minh”, tập trung tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng, chú trọng công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm hay trong xây dựng .
Kết quả trong giai đoạn 2021- 2023, các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được hơn 7.447 hội nghị, cuộc sinh hoạt chuyên đề, với hơn 308.774 lượt người tham gia...
Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề nêu trên, ông Hoàng Đăng Dũng, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn cho biết, trên địa bàn có nhiều địa phương đã có cách làm mới, sáng tạo, phát huy được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo được sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội rộng khắp như: Phong trào “Ngày thứ Bảy đi cơ sở xây dựng nông thôn mới”, “Ngày Chủ nhật đỏ chung sức xây dựng nông thôn mới”...
Các cơ quan truyền thông của tỉnh, trang thông tin điện tử cấp tỉnh và các huyện, thành phố thường xuyên đưa tin, bài, phóng sự về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, các gương sáng, điển hình, các mô hình cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới.
"UBND tỉnh Lạng Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025, chỉ đạo 11/11 huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG, 181/181 xã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng NTM cấp xã và thành lập Ban Phát triển thôn theo quy định.
Ban Chỉ đạo các cấp đều ban hành quy chế hoạt động và có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn, phụ trách các tiêu chí theo lĩnh vực công tác, quản lý", ông Hoàng Đăng Dũng thông tin.
Theo ông Dũng, Lạng Sơn đã lập kế hoạch, phân bổ, sử dụng vốn ngân sách trung ương và huy động các nguồn lực thực hiện chương trình. Căn cứ các Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn thực hiện chương trình cụ thể như sau: Giao vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 là 1.340.780 triệu đồng.
Trong đó ngân sách trung ương là 765.860 triệu đồng, ngân sách địa phương đối ứng là 574.920 triệu đồng gồm ngân sách tỉnh là 402.444 triệu đồng, ngân sách huyện là 172.476 triệu đồng.
Giao vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2022 là 449.740 triệu đồng gồm: vốn đầu tư phát triển 358.080 triệu đồng, vốn sự nghiệp 91.660 triệu đồng.
Giao vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023 là 406.982 triệu đồng gồm: vốn đầu tư phát triển 322.980 triệu đồng, vốn sự nghiệp 84.002 triệu đồng.
"Nhìn chung, công tác lập, thẩm định, phê duyệt, giao dự toán thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trung hạn 5 năm và hằng năm giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND tỉnh triển khai thực hiện bảo đảm đúng quy định và kịp thời", Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đăng Dũng, quá trình lập, thẩm định phương án phân bổ vốn gặp một số khó khăn do các văn bản chỉ đạo thực hiện chương trình chậm được ban hành, nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ muộn... Vì vậy quá trình lập, xây dựng phương án phân bổ kế hoạch vốn thực hiện Chương trình phải thực hiện song song với việc rà soát các mục tiêu nhiệm vụ ở cơ sở.
Ngoài ra, việc quy định cứng hệ số phân bổ như quy định sẽ gây khó khăn cho các huyện, xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi diện tích rộng, điều kiện địa hình phức tạp, các xã chưa đạt chuẩn và dưới 15 tiêu chí chủ yếu là xã vùng III.