Doanh nghiệp nào cũng có văn hoá doanh nghiệp. Điều này là chính xác. Văn hoá doanh nghiệp được tự sinh ra trong quá trình doanh nghiệp hoạt động. Nguồn gốc của văn hóa “tự nhiên” này có nhiều nguyên nhân như: từ phong cách và ảnh hưởng của người chủ, từ văn hóa địa phương, từ đóng góp/ tính cách của đội ngũ nhân viên… Thấy rõ nhất, chúng ta có thể so sánh hai nhóm tổ chức: một tổ chức là doanh nghiệp tư nhân và một tổ chức là tổ chức nhà nước. Chỉ cần có sự quan sát nhất định, ai cũng sẽ dễ dàng nhận ra điểm chung về văn hóa tổ chức của hai nhóm này sẽ khác nhau rất nhiều. Nhưng văn hoá doanh nghiệp có giúp doanh nghiệp hoàn thành được mục tiêu phụng sự xã hội?
Như vậy câu hỏi cần được đặt ra là: Văn hóa doanh nghiệp thế nào là phù hợp?
Đầu tiên, chúng ta cần quay lại câu hỏi muôn thủa đó là: doanh nghiệp được sinh ra để làm gì? Doanh nghiệp có mục tiêu cụ thể là gì trong 5-10 năm tới? Hay nói ngắn gọn là tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp là gì?
Để đạt được tầm nhìn và sứ mệnh, thì doanh nghiệp sẽ cần có những con người có những phẩm chất nhất định và những cách thực thi, hành xử nhất định. Nói một cách khác nếu một doanh nghiệp hướng tới sứ mệnh là phụng sự và đóng góp cho xã hội thì văn hoá doanh nghiệp cũng phải được xây dựng phù hợp để từng nhân viên có những hành động phù hợp.
Ví dụ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tập gym giảm cân hiệu quả cho phụ nữ và họ mong muốn sẽ giúp phụ nữ giảm cân hiệu quả và an toàn. Để làm sứ mệnh này nhân viên của doanh nghiệp phải có được thói quen hướng tới những việc phục vụ khách hàng đúng tiêu chí về an toàn, hiệu quả và giúp khách hàng thay đổi suy nghĩ về việc giảm cân không an toàn như sử dụng các loại thuốc có thể gây hại. Chỉ khi có được văn hóa này, sứ mệnh của doanh nghiệp mới có thể thành hiện thực.
Do đó, văn hóa doanh nghiệp cần làm sao để doanh nghiệp hình thành những con người như vậy và định hướng những người mới hội nhập cũng phải hướng tới những tính cách, giá trị như vậy. Ai làm sai hoặc không đúng thì sẽ bị đào thải.
Sẽ rất dễ hiểu nếu chúng ra dùng ví dụ ngược lại. Nếu doanh nghiệp tập gym đưa ra sứ mệnh như trên nhưng thất bại trong việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp và các nhân viên chủ yếu chạy đua doanh số và sẵn sàng hứa hẹn và đưa giải pháp giảm cân không phù hợp, không an toàn cho khách hàng. Như vậy, về mặt kinh doanh, doanh nghiệp vẫn đạt được thành quả nhất định nhưng với văn hoá doanh nghiệp như vậy thì không thể giúp doanh nghiệp hướng tới sứ mệnh phụng sự xã hội.
Quay lại câu hỏi ban đầu: như thế nào là văn hoá doanh nghiệp phù hợp?
Văn hoá doanh nghiệp phù hợp chính là văn hóa mà sẽ giúp doanh nghiệp của bạn đạt được tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Như vậy, văn hoá doanh nghiệp có thể phù hợp với một giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Và khi doanh nghiệp đặt ra một tầm nhìn mới, văn hoá doanh nghiệp có thể phải thay đổi để phù hợp với giai đoạn tiếp theo.
Một doanh nghiệp Việt Nam khi đặt ra mục tiêu vươn ra chinh phục những thị trường nước ngoài, tuyển dụng nhiều nhân sự bản xứ để vận hành thì lúc này, doanh nghiệp cũng cần có văn hoá doanh nghiệp phù hợp để các nhân sự ở các quốc gia khác nhau có thể cùng làm việc chung. Nếu văn hoá doanh nghiệp vẫn giữ như cũ khi chỉ kinh doanh tại Việt Nam sẽ khó thu hút và giữ chân nhân sự tại nhiều quốc gia khác nhau.
Đầu tiên, chúng ta quay lại “bộ bàn thờ” của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần rà soát và xây dựng lại tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của minh. Trong đó, giá trị cốt lõi là những đặc tính, đặc thù mà doanh nghiệp và con người của mình bắt buộc phải có để đạt được tầm nhìn. Từ giá trị cốt lõi, chúng ta xây dựng ra bộ quy tắc ứng xử (COC - Code of Conducts) và sau đó là sổ tay nhân viên (handbook). Trong đó, những giá trị mà doanh nghiệp hướng đến được quy định rõ và hướng dẫn rõ ràng cho nhân viên tại tất cả các vị trí từ lãnh đạo đến quản lý.
Ví dụ: Trong giá trị cốt lõi có giá trị “Chuyên nghiệp”. Chữ “chuyên nghiệp” này cần được phân tích rõ trong bộ COC và hướng dẫn rõ ràng trong bộ Handbook. Đối với nhân viên bán hàng, chuyên nghiệp có nghĩa là: hình ảnh (trang phục như thế nào/ nguyên tắc về business etiquette); phản hồi khách hàng (thời gian, từ ngữ, cách thức…); tuân thủ quy trình (quy trình làm việc, hướng dẫn công việc…); hình ảnh cá nhân (ứng xử trên mạng xã hội…); hợp tác với các bộ phận khác (cách thức/ nguyên tắc)...
Như vậy được hiểu là, với giá trị cốt lõi “Chuyên Nghiệp” này các nhân viên sẽ có một loạt hướng dẫn để ứng xử và thực hiện công việc của mình. Khi làm đúng như vậy, nhân viên đó là người đang thực hiện đúng giá trị cốt lõi và góp phần xây dựng văn hoá doanh nghiệp theo đúng định hướng của doanh nghiệp.
Cũng chữ “chuyên nghiệp” nhưng nếu doanh nghiệp chỉ nói khẩu hiệu thì mỗi nhân viên sẽ làm một kiểu. Có người chỉn chu, người không. Thời gian có người tuân thủ, người không…. Như thế văn hoá doanh nghiệp không được hình thành đúng định hướng và lại trở thành văn hoá doanh nghiệp tự phát.
Như vậy, để doanh nghiệp hướng tới những giá trị tốt đẹp và phụng sự xã hội, doanh nghiệp cần có một văn hoá doanh nghiệp sắc nét và cụ thể hóa tới từng nhân sự. Khi đó, từng việc nhân viên làm đểu sẽ giúp cho doanh nghiệp đạt được sứ mệnh phụng sự xã hội. Là một người điều hành, chúng ta hãy hiểu đúng về văn hoá doanh nghiệp để có lộ trình xây dựng văn hoá doanh nghiệp phù hợp cho doanh nghiệp của mình, thay vì chỉ dừng ở mức khẩu hiệu và phong trào.
Tác giả là Tiến sĩ Ngô Công Trường, Giám đốc mảng xe hơi tại Việt Nam của Hiệp hội chất lượng Hoa Kỳ ASQ, Top 40 chuyên gia xuất sắc nhất thế giới về vận hành xuất sắc (Operational Excellence) và Thạc sĩ Nguyễn Thế Trung, CEO John & Partners, Chuyên gia Tài chính và Quan hệ nhà đầu tư quốc tế
Theo CafeF/Nhịp sống thị trường