Người lao động ngành TT&TT có nhiều sáng kiến mang lại lợi ích lớn
Chiều ngày 25/1, tại Hà Nội, Công đoàn TT&TT Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Hội nghị là dịp đánh giá toàn bộ hoạt động của Công đoàn TT&TT Việt Nam trong năm 2023; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm, có định hướng mới để phong trào công nhân viên chức và hoạt động công đoàn trong năm 2024 và các năm tiếp theo có chất lượng và hiệu quả cao hơn.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Chủ tịch Công đoàn TT&TT Việt Nam nhấn mạnh, năm 2023, Công đoàn ngành đã có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn để chỉ đạo, tổ chức triển khai hoạt động công đoàn, tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo trong toàn ngành; bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống đoàn viên, người lao động...
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bà Đỗ Hồng Vân, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban Nữ công của Tổng Liên đoàn đánh giá, năm 2023, các cấp công đoàn của Công đoàn TT&TT Việt Nam đã có nhiều đổi mới, chủ động, linh hoạt trong triển khai các hoạt động; đã động viên, khích lệ cán bộ công nhân viên lao động đổi mới tư duy, năng động sáng tạo, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội; đồng thời bảo đảm đời sống, thu nhập cho người lao động toàn ngành.
“Công đoàn TT&TT Việt Nam cũng đã tham gia hiệu quả chương trình ‘1 triệu sáng kiến’ của Tổng Liên đoàn và qua chương trình này, nhiều tập thể, cá nhân có những sáng kiến đóng góp, làm lợi hàng chục tỷ đồng cho doanh nghiệp, xã hội”, bà Đỗ Hồng Vân thông tin.
Lưu ý một số việc Công đoàn TT&TT Việt Nam cần quan tâm thời gian tới, bà Đỗ Hồng Vân cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng hoạt động của Công đoàn TT&TT sẽ tiếp tục có nhiều khởi sắc, góp phần vào sự phát triển của ngành TT&TT, vào hoạt động chung của phong trào công nhân viên chức, người lao động của cả nước.
Chia sẻ kinh nghiệm của tổ chức mình, bà Sần Thị Bình, Phó Chủ tịch Công đoàn VNPT cho hay, một trong đổi mới công tác chăm lo đời sống, sức khỏe cho đoàn viên, người lao động VNPT là dựa trên cơ sở dữ liệu quản lý đoàn viên được đồng bộ với hệ thống quản trị (HRM) để phân tích, triển khai các hoạt động tư vấn sức khỏe, chăm sóc thân nhân của người lao động với phương châm chăm sóc, bảo vệ chủ động, sớm và từ xa.
Với công đoàn Tổng công ty VTC, Chủ tịch Công đoàn Trần Nguyên Nhung cho biết, từ định hướng, cách tiếp cận mới được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng gợi mở cho VTC tại cuộc làm việc ngày 18/1, Công đoàn VTC ra các nội dung hành động cho năm nay, trong đó có việc phối hợp với chuyên môn ứng dụng sản phẩm, dịch vụ do VTC tạo ra, thực hiện chuyển đổi số từ nội bộ Tổng công ty; tập trung đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động qua nền tảng VTC Edu.
4 nội dung sẽ được Công đoàn TT&TT Việt Nam tiên phong đổi mới
Với năm 2024, báo cáo được MC ảo trình bày tại hội nghị đã chỉ rõ, bên cạnh 10 nhiệm vụ thường xuyên, Công đoàn TT&TT Việt Nam cũng sẽ tập trung thực hiện cho được 4 nhiệm vụ trọng tâm đột phá, đó là: Xây dựng ứng dụng (app) để chuyển đổi số hoạt động công đoàn; nghiên cứu ứng dụng trợ lý ảo trong công tác tư vấn pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động; xây dựng học liệu trực tuyến để tuyên truyền và tập huấn các bài giảng giúp đoàn viên, cán bộ công đoàn nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ và công tác công đoàn; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác kiểm tra, giám sát của các cấp Công đoàn TT&TT.
Kết luận hội nghị, nhắc lại truyền thống đi đầu của ngành TT&TT qua các thời kỳ, Chủ tịch Công đoàn TT&TT Việt Nam Phạm Đức Long mong muốn trong hành trình mới, Công đoàn TT&TT Việt Nam phải có khát vọng tiên phong.
Nhấn mạnh Công đoàn TT&TT Việt Nam phải giải cho được bài toán làm sao bảo vệ và chăm lo tốt 82.000 người lao động toàn ngành, Thứ trưởng Phạm Đức Long chỉ rõ 4 nội dung cần tiên phong đổi mới trong năm 2024.
Trước hết, Công đoàn TT&TT phải tiên phong đổi mới phương thức chăm lo cho người lao động. Dưới áp lực của cách mạng 4.0, song song với việc tạo ra nhiều việc mới thì cũng sẽ có những công việc cũ bị mất đi, vì thế để người lao động trong ngành vẫn có việc làm ổn định thì cần phải đào tạo kỹ năng số và kỹ năng nghề cho người lao động. Công đoàn ngành, công đoàn các cấp cần đặt hàng xây dựng bài giảng dưới dạng video ngắn, hoặc được game hóa để đào tạo các kỹ năng số và kỹ năng nghề cho người lao động trên nền tảng số.
“Trong bối cảnh hiện nay, đào tạo để người lao động có được việc làm ổn định, hay chuyển sang làm được việc mới là vô cùng quan trọng”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.
Để tiên phong đổi mới phương thức nắm bắt nhu cầu của người lao động, cần có nền tảng số, sử dụng dữ liệu lớn, ứng dụng AI để nắm bắt nhu cầu của người lao động. Công đoàn TT&TT sẽ xây dựng nền tảng số hỗ trợ nắm bắt tư tưởng, nhu cầu của người lao động.
Tiên phong đổi mới phương thức truyền thông, thông tin đến người lao động cũng là một yêu cầu đặt ra với Công đoàn TT&TT trong năm nay. Công đoàn TT&TT Việt Nam hiện đang xây dựng app của công đoàn, để tất cả công đoàn cơ sở và đoàn viên công đoàn tham gia. Định hướng nội dung thông tin trên app này sẽ chỉ có 20% là tuyên truyền, còn lại là hoạt động giải trí. Nội dung tuyên truyền cũng phải ngắn gọn, được game hóa hay video hóa thì mới truyền tải hiệu quả đến người lao động.
Cũng trong năm nay, Công đoàn TT&TT Việt Nam sẽ tiên phong đổi mới phương thức tư vấn chính sách, pháp luật, sức khỏe cho người lao động, thông qua việc xây dựng một trợ lý ảo hẹp để hỗ trợ tư vấn, sau khi hoàn thành 82.000 công đoàn viên có thể hỏi để được trợ lý ảo này giải đáp, tư vấn.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Công đoàn TT&TT Việt Nam Phạm Đức Long, sắp tới, cùng với việc triển khai nền tảng làm việc số, tổ chức này cũng sẽ đổi mới phương thức đào tạo kỹ năng cho cán bộ làm công tác công đoàn; đổi mới công tác kiểm tra giám sát, với dự kiến 100% hoạt động giám sát sẽ online, với kiểm tra thì tỷ lệ online 70% và 30% còn lại là trực tiếp.