Vượt qua những tháng năm đầy gian khó
Khoảng 10 năm trước, một nhà máy sản xuất giấy ở “đất cảng” rơi vào danh sách nợ xấu của ngân hàng đã được “hồi sinh” sau quyết định đầu tư tái cấu trúc khá liều lĩnh của bà Trần Thị Thu Phương và cộng sự. Đó là Công ty Cổ phần Giấy Hoàng Hà Hải Phòng, tiền thân của Công ty Cổ phần HHP GLOBAL.
Từng có rất nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, song bà Phương vẫn chỉ là “lính mới” trong lĩnh vực sản xuất giấy.
“Hành trình ban đầu quả thật rất gian nan. Sau 8 tháng trời cải tạo nâng cấp dây chuyền thiết bị, vừa nổi lò hơi lên để hoạt động thì người dân đến phản đối. Tìm hiểu thì biết nguyên nhân do trước kia, chủ cũ không quan tâm đến vấn đề môi trường nên ảnh hưởng xấu tới đời sống dân sinh, bởi vậy khi chúng tôi vào tiếp quản, người dân lo ngại nhà máy sẽ lại gây ô nhiễm nên quyết liệt phản ứng. Chúng tôi liên tiếp phải làm việc với các cơ quan chức năng và mặc dù đã nỗ lực hết mình nhưng vì dây chuyền cải tạo lại nên cũng chỉ đảm bảo đạt chuẩn theo quy định mà thôi. Thời điểm đó là những năm tháng đen tối của cuộc đời tôi”, bà Trần Thị Thu Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần HHP GLOBAL nhớ lại “kiếp nạn” đầu tiên.
Tìm mọi cách xoay sở, đối phó với những vấn đề nan giải về kỹ thuật, dân cư, môi trường, tưởng chừng tình hình đã ổn dần, nhưng rồi thử thách lại chồng thử thách khi chỉ vài năm sau khi vận hành nhà máy sản xuất thì thị trường ngành giấy đi xuống. Nguồn thu bị ảnh hưởng, trong khi nhu cầu tài chính cho hoạt động đầu tư phát sinh quá nhiều so với dự kiến ban đầu. Công ty còn non trẻ thiếu tiền một cách trầm trọng. Trăm mối lo bủa vây “nữ tướng” Trần Thị Thu Phương.
“Đó là những năm tháng cực kỳ gian khó. Bên cạnh việc lo lương cho cán bộ công nhân viên, lo trả lãi vay ngân hàng, chúng tôi còn phải lo kinh doanh, bán hàng, xử lý các mối quan hệ với chính quyền địa phương, dân cư trong khu vực lân cận nhà máy… Có những lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc, nhiều lúc tự vấn sao lại quyết định đi con đường này... Tuy nhiên, trong tôi vẫn có một niềm tin mãnh liệt rằng, động cơ của mình trong sáng, mình mong muốn mang lại công ăn việc làm, mong muốn mọi điều tốt đẹp cho mọi người, thì chắc chắc ông trời sẽ không phụ lòng người”, bà Phương tâm sự.
Và quả vậy, sau 5 năm đầu tiên đầy thách thức, công ty đã IPO thành công, trở thành một công ty niêm yết đại chúng, mã chứng khoán là HHP; 4 năm liên tiếp trở lại đây, công ty liên tục lọt vào Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhất Việt Nam; đóng góp hàng trăm tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước.
Dần gắn bó hơn với ngành giấy, một trong những “nỗi đau” của bà Phương là rất nhiều người mặc định doanh nghiệp sản xuất giấy gắn liền với hình ảnh của những kẻ gây ô nhiễm môi trường. Bà quyết tâm tạo sự thay đổi nhận thức của cộng đồng về điều này.
“Thực ra gây ô nhiễm hay không là do ý thức của con người. Ngay khi cầm quyết định chủ trương đầu tư nhà máy mới trong tay, chúng tôi quyết định sẽ đầu tư một nhà máy thực sự đẳng cấp, dây chuyền thiết bị, công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tổng mức đầu tư lên tới trên 1.200 tỷ đồng. Thực ra thì tầm 900 - 1.000 tỷ đồng cũng có thể đầu tư được một nhà máy khá tốt rồi, và khả năng thu hồi vốn sẽ nhanh hơn nhiều, song với mức này, chúng tôi không thể đạt mục tiêu “trở thành số 1” trong ngành sản xuất giấy tại miền Bắc.
Với sự táo bạo, liều lĩnh của lãnh đạo công ty, giờ đây, chúng tôi đã có một Nhà máy xanh (đạt LEED bạc – chứng nhận được cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ), các thiết bị, máy móc đều thuộc loại mới nhất, hiện đại nhất thế giới ở thời điểm chúng tôi mua sắm”, bà Phương tiếp mạch chuyện.
Gấp rút triển khai nhà máy thông minh
Đầu năm 2023, tình cờ khi đưa bạn bè tới thăm dự án đang trong giai đoạn đầu tư, bà Phương trò chuyện về đam mê cũng như dự định ấp ủ của mình, từ khóa "nhà máy thông minh" được thốt lên như thể đã có sẵn từ lâu trong tiềm thức, nay trỗi dậy và định hình rõ nét.
Sau một thời gian khảo sát, lên phương án, tháng 5/2023, HHP GLOBAL ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Công nghệ ITG (ITG Technology), một đơn vị có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực triển khai nhà máy thông minh, để chính thức triển khai Dự án Nhà máy thông minh 3S iFACTORY. Đội ngũ chuyên gia ITG đóng vai trò tư vấn và đồng hành, còn Phòng Kỹ thuật Công nghệ và Nghiên cứu phát triển của HHP GLOBAL là lực lượng chuyên trách trong hành trình chuyển đổi số quan trọng này.
Dự án xây dựng nhà máy thông minh tuân theo tiêu chuẩn quốc tế ISA 95 của Hiệp hội Tự động hóa Hoa Kỳ và linh hoạt triển khai dựa trên tình hình cụ thể tại doanh nghiệp, nhằm đảm bảo tính phù hợp và hiệu quả.
Ủng hộ việc toàn bộ giải pháp phần mềm nhà máy thông minh đều do chuyên gia người Việt của ITG nghiên cứu và phát triển, bà Phương nhận định: “Thật ra người Việt Nam mình rất giỏi, tại sao lại phải đi thuê/mua sản phẩm, giải pháp của nước ngoài trong khi sản phẩm, giải pháp của nước ngoài rất đắt đỏ, khả năng tùy biến linh hoạt không bằng sản phẩm, giải pháp của người Việt”.
Đích thân Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Tiến Vinh lĩnh trọng trách Giám đốc Dự án Nhà máy thông minh 3S iFACTORY tại Nhà máy giấy HHP Paper (Nhà máy Giấy Hoàng Hà) ở Hải Phòng.
Nhiều tháng nay, “Tổng tư lệnh” Dự án Nhà máy thông minh “cắm chốt” ở “đất cảng” để theo sát từng mốc tiến triển của dự án.
Ông Vinh cho biết, lộ trình triển khai mô hình quản lý nhà máy thông minh gồm 3 bước: Số hóa; Ứng dụng nâng cao, và Chuyển đổi số toàn diện.
Bước số hóa sẽ cơ bản hoàn thành ngay trong năm 2023. HHP GLOBAL sẽ sử dụng 3S ERP làm nền tảng để số hóa toàn bộ các hoạt động về chiến lược, quản trị mua hàng, bán hàng, kế toán, nhân sự… Bên cạnh đó, tập trung triển khai phần mềm quản lý sản xuất 3S MES để tối ưu hóa toàn bộ hoạt động thực thi vận hành sản xuất từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào tới khâu xuất kho thành phẩm. Dữ liệu từ dây chuyền sẽ được tự động trích xuất và cập nhật lên hệ thống phần mềm 3S iFACTORY thông qua các cảm biến IoT.
Sang năm 2024, HHP GLOBAL sẽ gấp rút triển khai đồng bộ gần như tất cả ứng dụng của nhà máy thông minh. Trong đó, phần mềm 3S ERP sẽ hỗ trợ tính toán để tối ưu hóa nguồn lực, ví dụ như nguyên vật liệu, máy móc, nhân công… Còn phần mềm 3S MES hỗ trợ lập kế hoạch và lập lịch sản xuất tối ưu. Lệnh sản xuất được đẩy trực tiếp xuống các máy trạm. Từ đó, hạn chế thất thoát do xây dựng kế hoạch không chính xác, đảm bảo tiến độ giao hàng với các đối tác và khách hàng. Bên cạnh đó, phần mềm còn cho phép kiểm soát chất lượng trước - trong - và sau khi sản xuất nhằm giảm thiểu lãng phí không cần thiết, ví dụ như tối ưu khổ giấy, giảm tồn kho đầu vào và đầu ra.
Đến năm 2025, cả hệ thống vận hành sẽ chuyển đổi số toàn diện, thay đổi toàn bộ quy trình hoạt động từ phương thức thủ công sang hệ thống điện tử, tự động hóa; công tác quản lý chuyển từ giải quyết sự vụ sang quản lý chủ động và theo thời gian thực, việc quản trị, điều hành ra quyết định dựa trên chỉ số KPI.
Điều kiện thuận lợi cho hành trình triển khai nhà máy thông minh của HHP GLOBAL là hệ thống dây chuyền rất hiện đại. Những thiết bị quan trọng đều nhập từ các nhà sản xuất của châu Âu có thương hiệu rất lớn. Một số thiết bị ít quan trọng hơn thì nhập từ những nhà sản xuất hàng đầu Trung Quốc.
“Với nhà máy thông minh, yếu tố quan trọng là dây chuyền tự động hóa cao, thiết bị đo lường điều khiển hiện đại, đảm bảo sự chính xác của hệ thống tự động hóa. Hầu như tất cả các thiết bị đo lường điều khiển của chúng tôi đều nhập khẩu từ các hãng lớn rất uy tín như BTG của Thụy Điển, KOHL của Đức, hay các thiết bị Siemens, ABB…”, ông Vinh lưu ý.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ông Vinh cũng phải đối mặt với không ít khó khăn: “Nhà máy thông minh là mô hình mới đối với cả ngành sản xuất giấy chứ không chỉ riêng với HHP GLOBAL. Giám đốc Dự án 3S iFACTORY là nhiệm vụ khá nhiều khó khăn, khiến tôi không ít lo lắng và áp lực. Trước hết là về nguồn lực. Phải tìm được nhân lực am hiểu về công nghệ thông tin và có trình độ chuyên môn phù hợp chuyên ngành giấy để bố trí họ vào những vị trí phụ trách quan trọng trong nhà máy thông minh. Tiếp đó, mô hình nhà máy giấy có độ phức tạp rất cao, nếu đặt đầu bài sai thì có thể từ thông minh lại hóa ra không thông minh. Nếu không có tầm nhìn tổng thể về quy trình của nhà máy sẽ rất khó đưa nhà máy thông minh vào vận hành hiệu quả”.
Sẵn sàng chinh phục thị trường quốc tế yêu cầu cao về Net Zero
Cho tới thời điểm hiện tại, HHP GLOBAL đang được đánh giá là một trong những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số trong ngành sản xuất giấy tại Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc HHP GLOBAL khẳng định, nhà máy thông minh sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của khách hàng tại các thị trường quốc tế. Bởi nhà máy thông minh sẽ kiểm soát tốt quá trình sản xuất, giảm chi phí, giá thành sản phẩm, kiểm soát tốt nguồn năng lượng và phát thải, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Nhà máy thông minh sẽ là yếu tố bổ trợ cho HHP GLOBAL hiện thực hóa cam kết Net Zero trước năm 2035 (trong khi Chính phủ Việt Nam cam kết Net Zero vào năm 2050).
Mới đây, HHP GLOBAL đã ký hợp đồng nguyên tắc với TeamSustain - doanh nghiệp của Ấn Độ có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong việc tư vấn các nhà máy thực hiện Net Zero. Theo tư vấn thì dữ liệu của nhà máy sẽ đẩy lên hệ thống ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain).
“Với mô hình quản trị hiện đại, chúng tôi sẽ tạo được ấn tượng đẹp hơn trong mắt các đối tác quốc tế ngay trong lần đầu tiếp xúc. Mặt khác, trên thế giới bây giờ, các tập đoàn lớn đều đã thực hiện chiến lược ESG (phát triển bền vững) và có lộ trình cam kết Net Zero. Nếu không đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí cần thiết về Net Zero thì hàng Việt xuất khẩu sẽ khó vào được những thị trường như châu Âu. Chúng tôi sớm nhận ra điều này nên đã xây dựng lộ trình phát triển nhà máy thông minh, nhà máy xanh ngay từ đầu dù biết đây là mục tiêu rất thách thức”, ông Vinh bộc bạch.
“Hiện nay rất nhiều khách hàng như Nike, Apple, Amazon… cam kết về chuỗi giá trị của họ là chuỗi xanh, tất cả sản phẩm đầu vào phải có chứng chỉ xanh. Với nhà máy thông minh và nhà máy xanh, chúng tôi tự tin sản phẩm xuất khẩu của HHP GLOBAL sẵn sàng đáp ứng mọi tiêu chí của khách hàng quốc tế như vậy. Có thể bây giờ chi phí đầu tư cho sản phẩm của chúng tôi bị đội lên, nhưng chúng tôi cũng có đủ điều kiện để tăng giá bán tương ứng. Định hướng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của chúng tôi sẽ không phải theo hướng cạnh tranh giá rẻ mà sẽ là tạo ra sản phẩm tiêu chuẩn quốc tế chất lượng cao”, bà Phương minh họa thêm.
Trung tuần tháng 10/2023 vừa qua, HHP GLOBAL có tên trong Top 3 doanh nghiệp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trao giải Sáng kiến ESG (môi trường – xã hội – quản trị) Việt Nam 2023, đồng thời được chọn là “Doanh nghiệp tiên phong” trong chương trình Nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân của IPSC. Nhờ vậy, công ty có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ từ chương trình để triển khai, nhân rộng các sáng kiến kinh doanh bền vững.
“Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2026, HHP GLOBAL sẽ là mô hình kiểu mẫu về nhà máy thông minh trong ngành giấy tại Việt Nam. Một điểm đặc thù khác biệt là chúng tôi cũng đã bắt tay vào hành trình rèn luyện trí thông minh cảm xúc (EQ) cho toàn thể cán bộ công nhân viên để đạt mục tiêu khá táo bạo: Đến 2030, 90% nhân viên trong công ty phải là những người hạnh phúc. Chỉ số này sẽ được đo lường bởi phần mềm trải nghiệm của nhân viên trong mô hình nhà máy thông minh 3S iFACTORY. Sự hạnh phúc của mỗi cá nhân sẽ là hành trang giúp HHP GLOBAL trở thành “doanh nghiệp hạnh phúc” và tự tin vươn ra biển lớn”, Tổng Giám đốc Trần Thị Thu Phương nhấn mạnh.