Xe điện từ số 0 lên số 1 bán chạy, nhu cầu sạc điện gia tăng
Ngày 11/1, VinFast công bố kết thúc năm 2024 hãng xe điện này đã bán ra tổng cộng hơn 87.000 xe ô tô điện các loại riêng tại thị trường Việt Nam, vượt xa mục tiêu doanh số xe bàn giao trên toàn cầu, tạo động lực mạnh mẽ và bệ phóng để tiếp tục bứt phá trong năm 2025.
Với kỷ lục vượt trội, VinFast củng cố vững chắc vị thế hãng xe số 1 Việt Nam.
Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với Tập đoàn Vingroup tổ chức lễ phát động chiến dịch "Vì Thủ đô trong xanh". Theo đó, VinFast hỗ trợ lên tới 70 triệu đồng cho tất cả khách hàng mua xe ô tô điện và đăng ký biển số lưu hành tại Hà Nội từ ngày 10/1/2025 đến hết ngày 31/1/2026.
Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích đáng kể trong việc gia tăng nhu cầu xe điện thời gian tới. Theo Bộ Công Thương, để thực hiện được cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng nhà kính về 0 vào năm 2050, việc phát triển phương tiện, hạ tầng giao thông xanh là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu trên. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, trong đó có nội dung liên quan khuyến khích phát triển hạ tầng sạc điện.
Sự "bùng nổ" của xe điện ở Việt Nam cũng kéo theo nhu cầu trạm sạc cũng như điện cho trạm sạc tăng mạnh. Theo số liệu thống kê năm 2023, sản lượng điện thương phẩm của nhóm khách hàng sạc xe điện chiếm tỷ trọng 0,031% trong tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn hệ thống.
Song con số này dự kiến sẽ tăng rất mạnh. Theo báo cáo của Công ty cổ phần phát triển trạm sạc toàn cầu V-Green, nhu cầu điện cho trạm, trụ sạc xe điện giai đoạn 2025-2030 tăng khoảng 277,31% và giai đoạn 2030-2035 tăng khoảng 9,13% (năm 2035 dự báo khoảng 2.194,3 triệu kWh), như vậy nhu cầu điện cho trạm, trụ sạc xe điện đến năm 2035 tương đương với nhu cầu điện cho các cơ sở lưu trú du lịch của năm 2023.
Giá điện nào cho trạm sạc?
Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Theo các văn bản góp ý Bộ Công Thương nhận được, vẫn còn có ý kiến khác nhau liên quan đến giá bán điện cho khách hàng sử dụng điện cho mục đích sạc xe điện.
Cụ thể: có 4 ý kiến đề nghị áp dụng giá điện cho mục đích sạc xe điện theo giá kinh doanh (bao gồm EVN, Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, Hội bảo vệ người tiêu dùng và Tổng Công ty điện lực Hà Nội).
Có 3 ý kiến đề nghị áp dụng giá điện cho mục đích sạc xe điện theo giá sản xuất (bao gồm Bộ Giao thông vận tải; Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và dịch vụ Vinfast và Công ty CP sản xuất và kinh doanh Vinfast.
Có 4 ý kiến đề nghị làm rõ phương pháp tính toán, cập nhật số liệu thực tế trạm/trụ sạc điện của Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Nếu áp theo giá điện sản xuất, giá điện cho trạm sạc cao nhất là 3.314 đồng/kWh. Còn nếu theo điện kinh doanh, giá cao nhất có thể lên tới hơn 4.900 đồng/kWh.
Trên cơ sở nguyên tắc tính toán giá cho trạm/trụ sạc điện được xây dựng phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh của ngành điện, Bộ Công Thương lựa chọn bổ sung cơ cấu biểu giá điện riêng cho mục đích trạm/trụ sạc xe điện tại Dự thảo Quyết định để gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Cấp điện áp | Cao điểm | Bình thường | Thấp điểm |
Từ trung áp trở lên (từ 01kV) | 3.494 đồng/kWh | 2.368 đồng/kWh | 1.425 đồng/kWh |
Cấp điện áp hạ áp dưới 01kV | 3.909 đồng/kWh | 2.507 đồng/kWh | 1.508 đồng/kWh |
Theo đó trạm/trụ sạc xe điện được đề xuất quy định thành 1 nhóm đối tượng khách hàng riêng với cơ cấu ở giữa giá sản xuất và giá kinh doanh. Khi đó, giá cao nhất là hơn 3.900 đồng/kWh.
Về kinh nghiệm quốc tế, Bộ Công Thương cho hay có một số nước áp dụng biểu giá bán điện riêng cho hoạt động sạc xe điện (như tại Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan) trên cơ sở phản ánh chi phí của ngành điện, không trợ cấp trong giá điện. Nhà nước có các chính sách hỗ trợ trong sản xuất và khuyến khích tiêu dùng xe điện thông qua chính sách về thuế/phí, các khoản trợ cấp từ Chính phủ và các ưu đãi/quy định hành chính.
Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị bổ sung cơ cấu biểu giá bán điện riêng cho mục đích sạc xe điện tại Dự thảo Quyết định. Như vậy, việc xây dựng cơ cấu biểu giá bán điện riêng cho khách hàng trạm, trụ sạc xe điện là đảm bảo phù hợp về mặt phương pháp luận và kinh nghiệm quốc tế.
Theo Bộ Công Thương, nếu áp dụng giá điện cho trạm sạc theo giá sản xuất sẽ làm cho khách hàng trạm, trụ sạc xe điện phải trả ít hơn chi phí thực tế gây ra cho hệ thống điện bình quân khoảng từ 552 đồng/kWh - 699 đồng/kWh tùy cấp điện áp. Nếu áp dụng giá điện cho trạm sạc theo giá kinh doanh thì giá cao nhất có thể lên đến hơn 4.900 đồng/kWh. Theo phương án này sẽ làm cho khách hàng trạm, trụ sạc xe điện phải trả nhiều hơn chi phí thực tế gây ra cho hệ thống điện bình quân khoảng từ 467 đồng/kWh - 587 đồng/kWh tùy cấp điện áp. |