Xe lắp ráp trong nước sẽ chưa có thêm ưu đãi |
Cả hai đề xuất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) về giảm 50% phí trước bạ cho xe mới và giảm sản lượng xe sản xuất, lắp ráp của Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu đều không được cơ quan quản lý chấp thuận.
Theo Bộ Tài chính, để tạo điều kiện cho các mẫu xe lắp ráp trong nước có thể cạnh tranh được với làn sóng xe nhập khẩu, nhất là khi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ATIGA đối với mặt hàng ô tô giảm xuống 0% từ đầu năm 2018, Chính phủ đã đưa ra một số ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô.
Một trong các điều kiện để doanh nghiệp tham gia Chương trình ưu đãi thuế được áp dụng thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ô tô là phải đạt đủ sản lượng chung và sản lượng riêng theo lộ trình quy định theo kỳ xét ưu đãi 6 tháng.
Từ khi Chương trình ưu đãi thuế có hiệu lực, có 9 doanh nghiệp sản xuất ô tô đủ điều kiện áp dụng ưu đãi. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, một số doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất 1 hoặc 2 mẫu xe. Về sản lượng, các công ty này dự kiến sản xuất 1 mẫu xe gấp 1,3 lần hoặc 2 mẫu xe gấp 1,5 lần sản lượng riêng tối thiểu hoặc toàn bộ các xe sản xuất được của 1 công ty vượt sản lượng chung tối thiểu của chương trình, nhưng không đáp ứng đủ cả 2 sản lượng chung tối thiểu và sản lượng riêng tối thiểu, nên chưa đủ điều kiện tham gia Chương trình ưu đãi thuế.
Để khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô, tăng quy mô sản xuất, Chính phủ Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Trong đó có sửa đổi tiêu chí sản lượng chung tối thiểu của các nhóm xe và sản lượng riêng tối thiểu của mẫu xe để phù hợp với thực trạng ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 và phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, có tính đến các yếu tố dự báo trong tương lai.
Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp có sản lượng sản xuất, lắp ráp thực tế của 1 mẫu xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống đăng ký trong kỳ xét ưu đãi đạt từ 1,3 lần trở lên sản lượng riêng tối thiểu của mẫu xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống và đáp ứng các điều kiện quy định tại một số điều khoản, thì sẽ được áp dụng thuế suất 0% đối với linh kiện nhập khẩu đã sử dụng để sản xuất, lắp ráp của mẫu xe đăng ký đó xuất xưởng trong kỳ xét ưu đãi.
Với việc sửa đổi này, đã có thêm một số doanh nghiệp đủ điều kiện được ưu đãi ở kỳ xét thuế năm 2020.
Ngoài ra, quy định mới cũng bổ sung các chủng loại xe ô tô chạy điện, xe ô tô sử dụng pin nhiên liệu, xe ô tô hybrid, xe ô tô sử dụng nhiên liệu sinh học, xe ô tô sử dụng khí thiên nhiên vào đối tượng áp dụng ưu đãi của Chương trình để thúc đẩy phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường.
Dù không chấp thuận kiến nghị của VAMA về việc giảm sản lượng xe sản xuất, lắp ráp của Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ cập nhật số liệu, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và diễn biến, tác động của đại dịch Covid -19 để phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các chính sách phù hợp để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng bác đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp mới do "không phù hợp với bối cảnh hiện nay".
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp đề xuất tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp khi hết hiệu lực từ tháng 1/2021. Bộ Tài chính cho rằng việc giảm phí trước bạ cho xe lắp ráp là "giải pháp ngắn hạn" hỗ trợ trước ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19.
Cơ quan này từng cho biết, tổng số lệ phí ước giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 3.700 tỷ đồng.
Hoàng Nam
Tại sao doanh số xe điện tăng 140%?
Doanh số xe điện trên toàn cầu tăng 140% trong quý I/2021 với sự gia tăng mạnh mẽ ở thị trường Trung Quốc, châu Âu và Mỹ nhờ các chính sách thúc đẩy quá trình điện hóa được thực hiện ở nhiều khu vực.