Theo Euroasiantimes, Bộ Quốc phòng Ukraine mới đây đã công bố video trên. Chỉ vài giờ sau, đoạn video đã nhận được hơn 20.000 lượt yêu thích trên Instagram.
Trong video, phi công đã sử dụng 2 tên lửa AGM-88 HARM để thực hiện một cuộc tấn công "áp chế hệ thống phòng không" (SEAD). Bộ Quốc phòng Ukraine không công bố địa điểm và thời gian đoạn video được quay.
Cuối tháng 8/2022, không quân Ukraine đã chính thức xác nhận việc sử dụng tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 HARM của Mỹ trên tiêm kích MiG-29.
AGM-88 HARM dài 4,3m, nặng hơn 360kg, có tầm bắn 48km, vận tốc tối đa Mach 2 (2.450 km/h). Tên lửa này không hoàn toàn vô hiệu hóa được hệ thống radar của đối thủ, nhưng sẽ khiến những người điều khiển radar phải thận trọng hơn khi truyền tín hiệu. Nếu được phóng trước khi một cuộc không kích xảy ra, HARM sẽ giúp các máy bay chiến đấu giảm thiểu nguy cơ từ các hệ thống phòng không.
MiG-29 là máy bay chiến đấu đa nhiệm được ra mắt vào năm 1977. Sau hơn 4 thập kỷ, MiG-29 vẫn là một trong những tiêm kích được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, có mặt trong biên chế của quân đội 29 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Dũng