Cách đây khoảng 5 năm, khi từ Nhật Bản về Hà Nội thăm gia đình, tôi và bà xã có ghé quán phở Bát Đàn, ở phố Bát Đàn (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm). Khi ấy, vợ chồng tôi cũng phải xếp hàng cùng hơn chục vị khách, chờ tới lượt gọi món, thanh toán và tự bưng phở ra bàn. Thời gian chờ hơn 20 phút. Tôi có chụp lại một tấm ảnh vợ xếp hàng và chia sẻ lên Facebook cá nhân với dòng trạng thái: "Sáng cuối tuần, vợ chồng "son" xếp hàng nửa giờ chờ ăn tô phở Hà Nội".
Nhiều bạn bè "nửa đùa, nửa thật", bình luận: "Ông, bà rảnh quá hay sao mà xếp hàng kiên nhẫn quá vậy?", "Hà Nội bao quán phở ngon sao mà khổ thế", "Qua tôi nấu phở cho ăn, đảm bảo ngon hơn và phục vụ tận răng, không phải xếp hàng, bưng bê vất vả"...
Chỉ có một người bạn người Anh, từng du học cùng tôi tại Nhật Bản vào khen ngợi: "Bạn và mọi người xếp hàng thật trật tự, văn minh. Chắc món ăn ở đây xứng đáng để bạn bỏ thời gian chờ đợi". Tôi trả lời người bạn này: "Rất đáng! Vì đó là khoảng thời gian để tôi tìm lại kí ức tuổi thơ".
Phở gia truyền Bát Đàn là quán phở mà thuở học sinh, cứ cuối tuần, bố lại chở tôi trên chiếc xe máy "đê đê đỏ" từ Cầu Giấy lên ăn sáng. Tô phở Bát Đàn như một món quà bố tặng tôi sau tuần học chăm chỉ, cũng là lúc hai bố con "trốn vợ, trốn mẹ" tỉ tê chuyện riêng của cánh mày râu.
Những năm qua, tôi nhiều lần đọc được những tranh cãi về việc xếp hàng chờ đợi gọi món, thanh toán và tự bưng bê tại quán phở gia truyền Bát Đàn. Nhiều người tiêu cực chỉ trích "nhục vì miếng ăn", "khổ vì miếng ăn", "thời nào rồi còn xếp hàng đợi ăn phở", "chỉ người rảnh rỗi, thừa thời gian mới xếp hàng ăn phở"...
Thỉnh thoảng, tôi thấy chạnh lòng vì những lời chỉ trích đó. Tôi thầm nghĩ, nếu đó là hình ảnh người Nhật Bản xếp hàng chờ thưởng thức sashimi, người Hàn Quốc xếp hàng đợi ăn mỳ lạnh, người Ý xếp hàng để mua cây kem... thì cộng đồng mạng có chỉ trích họ "khổ vì ăn"?. Tôi nhớ, hồi đầu năm 2019, một nhân viên của công ty Microsoft chứng kiến và chụp được tấm hình tỷ phú Bill Gates xếp hàng, chờ tới lượt mua đồ tại cửa hàng thức ăn nhanh tại Seattle (Mỹ). Món đồ một trong những người giàu nhất thế giới mua có giá trị vào khoảng 7,68 USD (khoảng 180.000 đồng). Ngày 12/6/2015, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đứng xếp hàng 30 phút tại một trung tâm ăn uống ngoài trời để mua cánh gà rán, gây bão trên truyền thông. Hành động đó thể hiện văn hóa, sự tôn trọng với người khác, dù bạn là ai, giàu có cỡ nào, bận bịu ra sao.
Tôi biết, mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng với quan điểm của tôi, xếp hàng để chờ mua thứ gì đó là hành động văn minh, lịch sự. Không phải chỉ khi tới Nhật sống tôi mới quen với điều đó. Mà ngay từ những năm 2000, khi theo bố đi ăn phở Bát Đàn, bố đã dạy tôi phép lịch sự đó. Sau này, tới nhiều quốc gia phát triển công tác, du lịch, tôi thấy họ xem việc xếp hàng mua đồ là điều hiển nhiên.
Thậm chí, tôi từng vô cùng tự hào khi thấy thực khách xếp hàng chờ ăn phở Thìn tại Tokyo, bánh mì Phượng ở Seoul... Điều đó thể hiện sức hút của ẩm thực Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Còn với tôi, lí do nào tôi chờ 30 phút để ăn phở Bát Đàn? Thậm chí, tôi không làm thế một lần mà nhiều lần. Dịp nào về Hà Nội, tôi cũng ghé quán ăn phở.
Tôi thừa nhận, so với hơn 20 năm trước, tôi không còn cảm giác "thèm" hương thơm ngầy ngậy của nước phở, "nuốt nước bọt" khi nhìn thấy miếng nạm bò trên bát phở nóng hổi, nghi ngút khói. Ngày ấy, có khi tôi ăn vơi nửa bát, bố lại gắp thêm thịt, phở từ bát mình sang cho tôi. Khi 14, 15 tuổi, sức tôi phải ăn ngon lành 1,5 bát phở Bát Đàn mới bõ cơn thèm. Bây giờ, tôi thấy phở Bát Đàn vẫn ngon nhưng không phải đặc sắc so với những nơi tôi từng ăn. Có thể do giờ đây, tôi đã no đủ, đã thưởng thức nhiều món ngon khác. Cũng có thể, hương vị có phần thay đổi theo thời gian. Thậm chí, có lần, tôi thử phở Khôi Hói và phải gật gù với vợ: "Ngon thật, có khi ngon hơn Bát Đàn".
Về hình thức, bao năm trở lại, quán phở Bát Đàn gần như cũng chẳng thay đổi, vẫn nét cũ kỹ, hơi tối, bàn ghế cũ kỹ, đồ dùng cũ kỹ, khu quầy bếp chật chội, đến cái bảng niêm yết giá cũng như "ngủ quên với thời đại". Cách phục vụ ở đây thì có phần không niềm nở, nhiệt tình như nơi khác.
Thế nhưng, tôi vẫn sẵn sàng xếp hàng 20-30 phút chờ thưởng thức tô phở Bát Đàn. Lí do lớn nhất với tôi, có lẽ, vì muốn tìm lại cảm giác tuổi thơ, hồi tưởng những ngày rong ruổi theo bố lên phố cổ ăn phở sáng. Trong lúc lái xe, xếp hàng, ngồi ăn... những câu chuyện thủ thỉ nhỏ to của hai bố con vẫn như văng vẳng bên tai. Có thể, nhiều vị khách cũng như tôi, tới phở Bát Đàn để tìm kiếm kỷ niệm hay hương vị mang chút xưa cũ.
Có lần, khi đứng xếp hàng, tôi lân la trò chuyện với vài thực khách trung tuổi. Họ không mấy vội vã, sốt ruột vì xác định trước, đi ăn phở Bát Đàn là phải xếp hàng chờ. "Thường thì ngày nào rảnh tôi mới tới ăn phở Bát Đàn còn ngày bận thì chọn hàng khác", họ nói. Lúc xếp hàng chờ, họ tranh thủ lướt mạng, đọc báo, nhích từng bước cho tới khi chạm quầy. Thậm chí, nếu ai đó chen ngang thì tôi thấy thực khách cũng ít đôi co vì họ biết, đó thường là khách vãng lai, du khách ở xa, chưa hiểu "luật bất thành văn" ở đây.
Tôi từng đọc ở đâu đó "Ẩm thực là một thứ xứng đáng để người ta dành thời gian chờ đợi, rồi sau đó được thưởng bằng vị giác. Chính những hương vị ấy tạo thành ký ức theo thời gian".
Mỗi người mỗi khẩu vị. Có người thích nước phở trong, thịt tái đập dập như Thìn Bờ Hồ, có người thích tái lăn, nhiều hành như Thìn Lò Đúc, có người thích nước dùng đục ngầu của phở Tư Lùn... nhưng cũng có người như tôi, thích nhiều nước béo, sóng sánh, thịt thái tới đâu bán tới đó của Bát Đàn. Chỉ khi ăn đúng hương vị mình thích mới thấy "đã". Vì đó mà người ta không tiếc công chờ, công đợi. Ngay cả phải xếp bàn nhựa ngồi tràn vỉa hè, họ vẫn không mấy bận tâm.
Có thể tôi là người "dễ tính". Tôi không quan trọng quán tôi ăn phải khang trang, sang trọng. Miễn sao nó sạch sẽ. Ở phố cổ này hay thành phố tôi sống bên Nhật đều chật chội như nhau. Chuyện chen chúc tìm chỗ ngồi là quá bình thường. Nhưng tôi thích tô phở mang hương vị truyền thống như phở Bát Đàn, không phải cách nấu "mì ăn liền", công nghiệp. Phần dấm hay ớt tương cũng mang hương vị na ná nhà làm. Cái cũ kĩ của không gian quán cũng vô tình tạo nên nét Hà Nội xưa rất đặc trưng.
Tất nhiên, công tâm mà nói, tôi hy vọng chủ quán và nhân viên niềm nở, vui vẻ hơn. Dẫu rằng phục vụ lượng khách quá đông thì vất vả, mệt nhọc nhưng thái độ phục vụ góp phần quan trọng tạo nên chất lượng trong lòng thực khách, nhất là dấu ấn với khách quốc tế.
Chúng ta có vô số hàng phở nhưng có mấy nơi được CNN và rất nhiều kênh truyền thông quốc tế ca ngợi như phở gia truyền Bát Đàn? Nhờ đó, mà khách quốc tế biết nhiều hơn tới phở Việt Nam, ẩm thực Việt Nam và vẻ đẹp Việt Nam. Tôi thấy đó là niềm tự hào và đáng trân trọng. Tôi nghĩ, không giống như các bạn trẻ bây giờ xếp hàng mua trà sữa, bánh đồng xu, trà chanh... trong vài ngày rồi "hạ nhiệt". Những hàng phở như phở Bát Đàn, Tư lùn Ấu Triệu,... vẫn tồn tại cảnh xếp hàng hàng chục năm qua, là bởi họ khẳng định được chất lượng trong lòng thực khách. Vì vậy, nếu có thời gian, xếp hàng chờ ăn phở cũng là một thú vui xứng đáng!
Độc giả Ngọc Khánh (Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
Hình ảnh thực khách xếp hàng chờ ăn phở tại một số quán có tiếng ở Hà Nội gần đây nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Không ít cư dân mạng cho rằng như vậy là "khổ, nhục vì ăn", "có phải thời bao cấp nữa đâu mà phải mất thời gian chờ ăn". Bên cạnh đó, khá nhiều ý kiến ở chiều ngược lại cho rằng, không chỉ ở Việt Nam mà đến các quốc gia phát triển trên thế giới, du khách cũng phải xếp hàng chờ thưởng thức các món ngon. Nhiều nhà hàng, cửa tiệm trở thành điểm đến hút khách quốc tế nhờ hình ảnh xếp hàng.
Chuyên mục Du lịch VietNamNet mời quý độc giả chia sẻ câu chuyện, quan điểm về chủ đề Xếp hàng chờ ăn: Văn minh hay 'miếng khổ'? đến email dulich@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo qui định toà soạn.
Xin chân thành cảm ơn.