Số liệu do Our World In Data tổng hợp từ dữ liệu của Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế (IDF) đã phân tích tỷ lệ phần trăm số người mắc bệnh tiểu đường trong độ tuổi từ 20 đến 79 ở 211 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo đó, Pakistan đứng đầu danh sách, với khoảng 31% dân số mắc bệnh này, tiếp theo là French Polynesia, một cụm đảo ở Nam Thái Bình Dương (25,2%) và Kuwait (24,9%).
Các quốc gia, vùng lãnh thổ có số ca tiểu đường ít nhất lần lượt là Benin (1,1%), Gambia (1,9%).
Trong khi đó, Việt Nam đứng ở vị trí 141 (6,1%), cùng bậc với Phần Lan; ít hơn Mỹ (10,7%), Nhật (6,6%), Anh (6,3%).
Mặc dù có chế độ ăn giàu ngũ cốc nguyên hạt, sữa chua, rau quả nhưng nghiên cứu đã chỉ ra về mặt di truyền, người dân ở Pakistan và các quốc gia ở khu vực Trung Đông và Nam Á kháng insulin cao hơn. Điều này khiến họ tăng nguy cơ mắc tiểu đường.
Bệnh tiểu đường là tình trạng mạn tính ảnh hưởng đến cách cơ thể biến thức ăn thành năng lượng. Thông thường, cơ thể phân hủy thức ăn thành đường glucose đi vào máu, kích hoạt tuyến tụy giải phóng insulin.
Tuy nhiên, ở bệnh nhân tiểu đường, cơ thể không tạo ra đủ insulin, khiến lượng đường vẫn còn quá nhiều trong máu.
Theo IDF, vào năm 2021, 537 triệu người trưởng thành trên toàn thế giới mắc bệnh tiểu đường. Tỷ lệ này tăng 16% so với năm 2019. Tổng số ca bệnh được dự đoán sẽ tăng lên 643 triệu (năm 2030) và lên 783 triệu (năm 2045).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất vào năm 2019, cướp đi sinh mạng của 1,5 triệu người.
Trên toàn cầu, hơn 90% những người mắc bệnh tiểu đường thuộc loại 2, chủ yếu do béo phì, chế độ ăn uống kém, lối sống ít vận động và tiền sử gia đình.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Obesity Reviews ghi nhận sự gia tăng doanh số bán hàng trên đầu người của thực phẩm và đồ uống siêu chế biến có liên quan đến chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn.
Đường và muối là những thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Đánh giá được công bố trên tạp chí BMJ đã liên kết việc tiêu thụ nhiều đường bổ sung với 45 kết quả tiêu cực về sức khỏe. Đó là bệnh tiểu đường, gout, béo phì, huyết áp cao, đau tim, đột quỵ, ung thư, hen suyễn, sâu răng, trầm cảm và tử vong sớm.
Phân tích đăng trên Annals of Internal Medicine cho thấy ngồi trong thời gian dài có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim và ung thư cao hơn. Mayo Clinic cảnh báo ngồi trong thời gian dài mỗi ngày có thể dẫn đến sự phát triển của chất béo nội tạng.
Chế độ ăn uống truyền thống của Nhật Bản đã được chứng minh làm giảm khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2, cũng như các bệnh mạn tính khác. Các bữa ăn của người Nhật Bản giàu thực phẩm chế biến tối thiểu, ít đường, chẳng hạn như cá, rong biển, trà xanh, đậu nành, rau quả.
Trong một nghiên cứu kéo dài 6 tuần trên 33 người đàn ông theo chế độ ăn truyền thống của Nhật Bản, 91% có ít nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 hơn đáng kể.