Hình ảnh thực khách xếp hàng dài chờ ăn phở tại một số cửa tiệm có tiếng ở Hà Nội nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Không ít cư dân mạng cho rằng như vậy là “khổ vì ăn”, “phí thời gian”.
Trái lại, nhiều ý kiến khác cho rằng, không chỉ ở Việt Nam mà đến các quốc gia phát triển trên thế giới, du khách cũng phải xếp hàng chờ thưởng thức các món ăn ngon. Nhiều nhà hàng, cửa tiệm trở thành điểm đến hút khách quốc tế nhờ hình ảnh xếp hàng đông đúc.
Xếp hàng ăn phở khác hoàn toàn xếp hàng “đu trend”
Trong thời gian gần đây, tại Việt Nam xuất hiện nhiều món đồ ăn, đồ uống mới lạ, thu hút rất đông thực khách quan tâm, đặc biệt là giới trẻ. Họ sẵn sàng xếp hàng, chờ vài tiếng, thậm chí chen chúc để mua như cà phê muối, trà chanh giã tay, bánh đồng xu phô mai, bánh custard...
Theo các chuyên gia, việc xếp hàng chờ thưởng thức ẩm thực không phải chuyện xa lạ hay mới mẻ. Thói quen này xuất hiện ở bất cứ đâu, bất cứ độ tuổi nào nhưng với mục đích khác nhau.
PGS. TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng việc xếp hàng chờ thưởng thức những món ăn quen thuộc, “biểu tượng ẩm thực” Việt Nam như bún, phở, bánh mì,… được xem như thói quen với nhiều người, có thể lặp đi lặp lại nhiều lần và thường xuất hiện ở nhóm người trung tuổi, cao tuổi. Trong khi đó, việc xếp hàng “bắt trend”, chờ mua những loại đồ ăn thức uống mới nổi như cà phê muối, bánh đồng xu phô mai, trà chanh giã tay,… được xem là thú vui để thỏa mãn sự tò mò và xuất hiện ở nhóm thực khách trẻ.
PGS. TS Phạm Hồng Long cho hay, những quán ăn, nhà hàng mà thực khách sẵn sàng xếp hàng chờ thưởng thức trong rất nhiều năm đều là những thương hiệu đã được cộng đồng ghi nhận và đánh giá cao. Vì vậy, thực khách coi việc xếp hàng để thưởng thức một món ăn ngon, hợp khẩu vị là khoảng thời gian đã được dự tính. Chưa kể, trong khi chờ đợi, họ có thể giải trí, “giết” thời gian bằng cách giao lưu, trò chuyện hay sử dụng các thiết bị thông minh.
“Vấn đề quan trọng nhất vẫn là đồ ăn và thương hiệu đó đã được thực khách kiểm chứng và công nhận. Vì chất lượng đồ ăn tốt nên việc chờ đợi không làm họ cảm thấy khó chịu”, PGS. TS Phạm Hồng Long nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng nêu ví dụ, bản thân từng trải nghiệm xếp hàng nhiều lần khi ở Nhật Bản, chấp nhận chờ đợi từ nửa tiếng đến một tiếng đồng hồ để được thưởng thức những món ăn yêu thích như mì ramen, mì udon,… hay các món truyền thống, mang đậm văn hóa xứ phù tang như sashimi, sushi. Những quán ăn mang chất lượng, tính bản sắc địa phương này khác hoàn toàn những quán ăn “mới nổi”, chỉ khiến khách tò mò mà không muốn quay lại nhiều lần.
Nói về việc xếp hàng chờ thưởng thức ẩm thực, xét về góc độ tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng, khi vật chất đầy đủ, đôi với con người, ăn uống không chỉ để đủ no mà họ còn có nhu cầu tìm kiếm giá trị tinh thần, trải nghiệm và văn hóa.
“Những quán ăn truyền thống, tồn tại lâu năm không cần quá rộng, quá đẹp nhưng có đồ ăn chất lượng, mang đặc trưng văn hóa địa phương. Nói cách khác, những quán ăn đó mang giá trị bền vững. Khi thực khách tới, họ vừa thưởng thức ẩm thực vừa trải nghiệm văn hóa, phong cách của quán, nhà hàng nên họ sẵn sàng xếp hàng. Khi đó, việc xếp hàng để thưởng thức đồ ăn không chỉ vì giá trị vật chất mà còn mang giá trị tinh thần”, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.
Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, tâm lý của người xếp hàng thưởng thức các quán ăn truyền thống, lâu năm khác với tâm lý xếp hàng “bắt trend”. Những người “bắt trend” đa phần là giới trẻ, quan tâm nhiều đến hình thức, vẻ bề ngoài một cách chớp nhoáng thay vì yếu tố cốt lõi, chất lượng bên tron. Những người này xếp hàng không phải vì ăn, uống ngon mà chỉ đơn giản muốn mình là người đầu tiên trải nghiệm, dẫn đầu trào lưu.
“Nhiều bạn trẻ xem việc ăn uống là phụ, chụp ảnh, đăng tải lên MXH là chính để thể hiện mình luôn là người đi đầu các trào lưu của xã hội. Họ muốn mọi người khi theo dõi họ thì sẽ được biết những điều thú vị một cách nhanh nhất, sớm nhất. Bởi vậy, họ chạy theo xu hướng chứ không phải vì chất lượng, vì sự đặc sắc độc đáo của ẩm thực”, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.
Giá trị của hình ảnh xếp hàng chờ ăn phở
Theo Thạc sĩ Lê Anh Tú, Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM), để một hàng quán khiến khách xếp hàng năm này qua năm khác thì bắt buộc phải đảm bảo được chất lượng.
“Những sản phẩm đơn giản vẫn có thể may mắn tạo thành trào lưu nhưng nhanh chóng bị bão hòa, hạ nhiệt, sớm nở tối tàn. Những thực khách xếp hàng chờ đợi sản phẩm này thường vì tâm lý “sợ tối cổ, ở ngoài xu hướng”, muốn là người đầu tiên “bắt trend”.
Trong khi đó, có nhiều quán dù không chạy theo trào lưu và mở cửa từ khi chưa có mạng xã hội nhưng vẫn chật kín khách là bởi chất lượng đồ ăn ngon. Họ đi lên bằng thực lực, chất lượng sản phẩm và phương thức truyền thông đặc trưng của họ là truyền miệng. Phương thức này hoàn toàn miễn phí nhưng chỉ đạt được khi họ có chất lượng tốt, ổn định trong thời gian dài”, vị chuyên gia nêu nhận định.
Thạc sĩ Lê Anh Tú cũng đánh giá cao văn hóa xếp hàng chờ ăn bởi những hình ảnh đó có khả năng lan tỏa rộng rãi, thu hút được sự quan tâm của báo giới quốc tế, tạo ra các hiệu ứng, giá trị về mặt truyền thông. Nhiều quán ăn Việt Nam nhờ hình ảnh xếp hàng mà nổi tiếng khắp thế giới, từ đó quảng bá ẩm thực Việt, thu hút du khách quốc tế.
Cùng chung nhận định, PGS. TS Phạm Hồng Long nhấn mạnh rằng, trong lĩnh vực du lịch, ẩm thực với giá trị cả vật thể và phi vật thể của nó đóng vai trò rất quan trọng, là yếu tố không thể thiếu của hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy “ngành kinh tế không khói” phát triển. Bởi vậy, cần làm sao để ẩm thực không chỉ là trào lưu mà phải hướng đến sự bền vững để du khách thích thú và sẵn sàng xếp hàng nhiều lần, nhiều ngày, từ đó lan tỏa các giá trị cả về mặt truyền thông và du lịch.
“Việc xếp hàng chờ ăn là rất văn minh, tránh tình trạng chen lấn xô đẩy và giúp chất lượng phục vụ của quán ăn đó trở nên tốt hơn. Và điều đó không chỉ làm tăng tính nhận diện thương hiệu mà còn tôn lên nét đẹp, hình ảnh của một điểm đến, tạo trào lưu hấp dẫn thực khách tới thưởng thức các món ăn ngon”, PGS. TS Phạm Hồng Long bày tỏ.
Chia sẻ thêm, các chuyên gia đều nhận định rằng, ngành du lịch Hà Nội đang nỗ lực xây dựng ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc, nhất là văn hóa ẩm thực đường phố để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Thủ đô.
Tuy nhiên sự thành công của ẩm thực không đơn thuần chỉ là những món ăn ngon, hợp khẩu vị mà còn là sự tổng hòa của nhiều yếu tố như chất lượng dịch vụ, giá thành, cơ sở vật chất, đặc trưng bản địa…
Cuối tháng 10 vừa qua, vượt qua nhiều điểm đến nổi tiếng như Kuala Lumpur, Đài Bắc, Kyoto, Hà Nội đã giành giải “Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á năm 2023” tại lễ trao Giải thưởng Ẩm thực Thế giới 2023 (World Culinary Awards).
Năm 2024, thành phố dự kiến xây dựng và hoàn thiện bản đồ Food Tour để du khách có thể tự mình khám phá, trải nghiệm ẩm thực địa phương.
Chia sẻ với VietNamNet, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết bên cạnh việc quảng bá, sáng tạo các sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực, thành phố cũng chú trọng tổ chức các lớp tập huấn về văn hóa ứng xử văn minh du lịch, kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với nhân dân, người bán hàng, người phục vụ trong lĩnh vực du lịch để nâng cao trình độ, thái độ phục vụ du khách, tạo môi trường văn minh du lịch Thủ đô.
Hình ảnh thực khách xếp hàng chờ ăn phở tại một số quán có tiếng ở Hà Nội gần đây nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Không ít cư dân mạng cho rằng như vậy là "khổ, nhục vì ăn", "có phải thời bao cấp nữa đâu mà phải mất thời gian chờ ăn". Bên cạnh đó, khá nhiều ý kiến ở chiều ngược lại cho rằng, không chỉ ở Việt Nam mà đến các quốc gia phát triển trên thế giới, du khách cũng phải xếp hàng chờ thưởng thức các món ngon. Nhiều nhà hàng, cửa tiệm trở thành điểm đến hút khách quốc tế nhờ hình ảnh xếp hàng.