Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến xã hội về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, bao gồm nội dung về chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. 

Mới đây, Bộ GD-ĐT tổ chức toạ đàm với các chuyên gia, đại diện cơ sở giáo dục đại học, Sở GD-ĐT để lắng nghe ý kiến trong quá trình hoàn thiện dự thảo.

_DSC9991.JPG
Bà Vương Hương Giang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội. Ảnh: Trần Hiệp

Bà Vương Hương Giang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, Sở GD-ĐT đồng thuận với quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm của các trường đại học và quy định điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung. 

Lý do, theo bà Giang, trong những năm qua, khi triển khai hỗ trợ thí sinh tham gia xét tuyển sớm, Sở GD-ĐT Hà Nội thấy bộc lộ một số tồn tại. Cụ thể, để được xét tuyển sớm vào các trường đại học, cao đẳng, không ít thí sinh đăng ký nhiều hồ sơ vào các cơ sở đào tạo, dẫn đến các trường THPT tốn thời gian, công sức để sao in học bạ, xác nhận hồ sơ, trong khi đây là thời gian cao điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Hơn nữa, sau khi có kết quả trúng tuyển, thí sinh không có tâm lý tiếp tục ôn tập, vì chỉ cần tốt nghiệp THPT. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi nói chung và tâm lý ôn tập của các thí sinh khác. 

“Chúng tôi cho rằng việc quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm và quy định điểm chuẩn trúng tuyển đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh trong các đợt xét tuyển và giảm các tồn tại nêu trên”, bà Giang nói.

Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đồng thuận với quy định việc xét học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. “Bởi như vậy, đảm bảo đánh giá kiến thức toàn diện của thí sinh trong toàn cấp THPT và tránh hiện tượng học lệch hoặc không học một số môn ở học kỳ II năm lớp 12, khi các em chỉ tập trung học các môn để thi tốt nghiệp”, bà Giang nói.

_DSC9923.JPG
PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính. Ảnh: Trần Hiệp

Cũng liên quan vấn đề xét tuyển sớm, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng việc tất cả các trường đại học, học viện xét tuyển sớm sẽ gây hỗn loạn ở dưới các trường THPT, bởi khối lượng xác nhận nhiều. Bên cạnh đó, khi đủ điều kiện xét tuyển sớm, học sinh không quan tâm học tập ở học kỳ II năm lớp 12. Học viện Tài chính không triển khai việc xét tuyển sớm.

Đại diện Học viện Tài chính cũng ủng hộ việc xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12.

“Có trường 'cạnh tranh' trong xét tuyển bằng việc chỉ xét kết quả học tập của học sinh ở 5 học kỳ (cả năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12) nên có câu chuyện học sinh ăn Tết xong vào học kỳ 2 không tập trung học hành nữa. Qua quá trình tư vấn tuyển sinh, đi đến các địa phương, các trường, tôi nhận thấy và trao đổi về bất cập này. Chúng tôi cho rằng không nên vì cạnh tranh ở đại học mà ở dưới bậc THPT xáo trộn”, ông Tùng nói.

_DSC9846.JPG
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Trần Hiệp

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, việc cần nhìn nhận và có điều chỉnh về “xét tuyển sớm” là rất cần thiết để đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh.

“Đây là cuộc cạnh tranh. Chúng ta xét tuyển một lần có sao không? Xét tuyển sớm các trường cũng vất vả bởi mỗi trường có một cách thức nộp hồ sơ, yêu cầu, thủ tục khác nhau. Chúng ta làm khổ người dân, làm khổ học sinh. Chúng ta nghĩ rằng điều này là tốt với các trường khi được chủ động, học sinh có cơ hội trúng tuyển sớm sẽ yên tâm nhưng thực ra tâm lý các em luôn phải suy nghĩ, lo chuyện thời điểm, hồ sơ để xét tuyển. Đây là một vấn đề rất bất cập. Bởi áp lực với học sinh không hề giảm, thậm chí tăng lên”, ông Sơn nói.

Khẳng định việc tuyển sinh của đại học, cao đẳng tác động rất lớn tới quá trình học ở bậc phổ thông, ông Sơn cho rằng, việc có quy định chặt chẽ hơn (nếu sử dụng học bạ để xét tuyển cần có kết quả học tập của cả năm lớp 12) cũng là hướng tới bảo đảm công bằng cho các thí sinh. Nếu chỉ xét đến 5 học kỳ ở cấp THPT, bỏ qua học kỳ hai của lớp 12 sẽ khiến nhiều học sinh chủ quan và không tập trung học tốt đều các môn. Điều này sẽ rất khó khăn cho các em khi vào đại học sau này.

“Ngoài ra, chúng ta cần đo được năng lực, khả năng học tập của thí sinh phù hợp và đáp ứng yêu cầu của từng ngành/chương trình đào tạo. Chúng ta cần xác định quan điểm làm thế nào để công tác tuyển sinh đơn giản hóa, thuận lợi nhất cho các trường nhưng không vi phạm những nguyên tắc chung của giáo dục, đó là công bằng, bình đẳng, chất lượng”, Thứ trưởng Sơn nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, dự thảo chưa phải là cuối cùng nhưng có những điểm mới nhằm khắc phục một số bất cập. Việc dành quá nhiều thời gian và nguồn lực cho việc xét tuyển sớm sẽ tác động ngược trở lại giáo dục phổ thông. 

tuyensinh.jpg