‘Nhà máy thông minh’ là một doanh nghiệp được kết nối và số hóa cao, trong đó tự động hóa và tự động tối ưu hóa quy trình sản xuất cho phép máy móc và thiết bị thực hiện các quy trình cốt lõi một cách hiệu quả nhất có thể.
‘Nhà máy thông minh’ được coi là nền tảng của Công nghiệp 4.0.
Lợi ích của chúng hiện đã vượt ra ngoài khuôn khổ sản xuất hàng hóa vật chất và mở rộng sang các chức năng kinh doanh quan trọng khác, bao gồm lập kế hoạch, chuỗi cung ứng hậu cần và phát triển sản phẩm.
Tim Gaus, Giám đốc của Deloitte Consulting ở Mỹ cho biết, ‘nhà máy thông minh’ là thành phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang hoạt động sản xuất thông minh từ đầu đến cuối.
Theo Doug Johnson, Giám đốc quản lý sản phẩm tại nền tảng Sản xuất Thông minh Plex của công ty Rockwell Automation (Mỹ), ‘nhà máy thông minh’ tận dụng nhiều công nghệ để thực hiện các hoạt động sản xuất toàn diện, bao gồm điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, cảm biến và Internet vạn vật công nghiệp (IIoT).
Vô số lợi ích
Có rất nhiều lợi ích khi triển khai các ‘nhà máy thông minh’ và ở mức độ cao nhất là khả năng phát triển các giải pháp để giải quyết một số thách thức lớn nhất của thế giới.
Theo Tim Gaus, nhờ triển khai các giải pháp như vậy, các doanh nghiệp sẽ có được nền tảng công nghệ an toàn và đáng tin cậy, cho phép đưa hoạt động kinh doanh theo xu thế của tương lai, bảo vệ hoạt động khỏi các cuộc tấn công mạng độc hại, giải quyết triệt để các vấn đề trong thế giới kỹ thuật số…
Các ‘nhà máy thông minh’ có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô và trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm ô tô, thực phẩm và đồ uống, hàng tiêu dùng, cao su và nhựa cũng như điện tử.
Các ngành này thường có quy trình sản xuất phức tạp, với nhiều bộ phận sản xuất, khiến chúng trở thành ứng cử viên sáng giá để triển khai ‘nhà máy thông minh’.
Nghiên cứu Triển vọng Sản xuất năm 2023 của Deloitte cho thấy, hơn 60% giám đốc điều hành được khảo sát hiện đang hợp tác với các công ty công nghệ chuyên biệt để thúc đẩy các sáng kiến sản xuất thông minh trong những năm tới.
Áp lực ngày càng tăng
Nền kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên cạnh tranh khi kỳ vọng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm chất lượng cao ngày càng tăng.
Doug Johnson cho biết: “Tình trạng thiếu lao động lành nghề, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những thách thức kinh tế đang gây thêm áp lực cho lĩnh vực sản xuất”.
Báo cáo hiện trạng sản xuất thông minh thường niên mới nhất của Plex đã chỉ ra rằng, số người cho biết họ không có đủ công nghệ để vượt lên trước các đối thủ cạnh tranh đã tăng gấp đôi so với năm 2022.
Đồng thời, 97% người tham gia khảo sát đã báo cáo kế hoạch sử dụng công nghệ sản xuất thông minh.
Doug Johnson lưu ý: “Việc sử dụng công nghệ thông minh và áp dụng các phương pháp sản xuất dựa trên dữ liệu là rất quan trọng để các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả và năng suất nhằm duy trì khả năng cạnh tranh”.
Bắt đầu ứng dụng quy trình sản xuất thông minh có thể là một nhiệm vụ khó khăn đối với nhiều công ty. Tim Gaus thường khuyên khách hàng của mình hãy nghĩ lớn, bắt đầu từ quy mô nhỏ và tìm cách mở rộng nhanh chóng.
Điều đó có nghĩa là bắt đầu với những khoản đầu tư mang lại giá trị cao nhất, bổ sung các cải tiến cho các quy trình cũ để có được lợi tức đầu tư và tác động tổng thể, sau đó mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Công nghệ ‘nhà máy thông minh’ là những hệ thống rất phức tạp, khiến chúng khó quản lý và có thể tốn kém khi triển khai và bảo trì.
Doug Johnson cho biết: “Các doanh nghiệp cần xem xét cẩn thận ngân sách hiện có của mình để đảm bảo có chuyên môn và nguồn lực cần thiết hỗ trợ những sáng kiến đó”.
Ngoài ra, việc lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp cho ‘nhà máy thông minh’ là rất quan trọng, cần phù hợp với mục tiêu và kế hoạch tăng trưởng, giúp tiết kiệm chi phí và mang lại lợi ích lâu dài.
(theo ITWeek)