Hơn 1 tuần sau khi xảy ra vụ nữ sinh lớp 10 ở Nghệ An tự tử nghi bạo lực học đường, dư luận vẫn đang chờ đợi kết quả điều tra cuối cùng từ phía cơ quan chức năng.
Nhưng câu chuyện bạo lực học đường như vết thương, một lần nữa, lại nhức nhối.
Không riêng gì Việt Nam, tình trạng bạo lực học đường đã và đang diễn ra khắp thế giới và ở tất cả các bậc học. Hành vi bạo lực không chỉ về thể chất mà còn là bạo lực tinh thần như đe dọa, vu khống, tẩy chay, xa lánh…
Các nghiên cứu cho biết, trên phạm vi toàn cầu, cứ 3 học sinh trong độ tuổi từ 13-15, có hơn 1 em từng bị bắt nạt. Tỉ lệ học sinh tham gia đánh nhau cũng gần như vậy. Cứ 10 sinh viên tại 39 quốc gia công nghiệp, có 3 em thừa nhận đã từng bắt nạt bạn.
Số liệu của Plan International và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW) khảo sát ở 5 quốc gia gồm Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Nepal cho thấy, cứ 10 học sinh có 7 em từng bị bạo lực học đường. Quốc gia có số học sinh bị bạo lực cao nhất là Indonesia (84%); thấp nhất là Pakistan với 43%.
Theo số liệu được Bộ GD-ĐT đưa ra gần đây, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Tính trung bình có 5 vụ bạo lực/ngày. Cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì bạo lực học đường...
15, 20 năm về trước, chúng ta từng thảng thốt trước tình trạng học sinh ở Nhật Bản, Hàn Quốc trầm cảm, tự tử vì bạo lực học đường, vì học tập căng thẳng, sức ép của nhịp sống công nghiệp… Nhưng rồi chúng ta đã làm gì để những cảnh tượng đau lòng ấy không xảy ra với con em mình?
Qua nhiều năm với rất nhiều cuộc phát động, hô hào, bệnh thành tích trong giáo dục vẫn chưa được khắc phục. Sức ép học hành thi cử, gánh nặng trách nhiệm, danh tiếng cho gia đình đã khiến không ít học sinh căng thẳng, bí bách, tình trạng bạo lực học đường cũng ngày càng trầm trọng hơn.
Nhiều vụ học sinh, sinh viên tự tử xảy ra trong thời gian qua như những vết dao cứa vào da thịt những người làm cha làm mẹ, là nỗi ám ảnh với xã hội.
Trong khi đó, việc xử lý bạo lực học đường thường là phạt học sinh và giảng hòa các bên mà ít đi sâu tìm hiểu nguyên nhân từng vụ việc cụ thể. Cách làm qua loa như "giấu bụi dưới thảm" ấy, chẳng những không giải quyết được ngọn ngành vấn đề mà còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Để giải quyết tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, rất cần sự đồng cảm, chia sẻ cởi mở của cha mẹ, thầy cô. Để các em tin rằng, bố mẹ, gia đình, thầy cô là nơi đáng để sẻ chia tất cả những rắc rối mình đang gặp phải và có thể trông cậy vào cách giải quyết của người lớn.
Bằng trách nhiệm của mình, nhà trường, gia đình hãy lắng nghe, tìm hiểu đến ngọn nguồn sự việc để có cách ứng xử phù hợp. Có thể phải biết chấp nhận hy sinh cái tiểu tiết, tạm thời để giữ lấy cái lớn hơn, bền vững hơn. Thậm chí có thể chấp nhận dừng việc học tập một thời gian để con trẻ ổn định tâm lý, đảm bảo an toàn khi trở lại trường, thay vì cố cho con đến lớp để bằng bạn bằng bè mà bất chấp rủi ro.
Hãy giúp con trẻ biết rằng, tất cả mọi vấn đề, dù khó nhất cũng đều có cách giải quyết và đừng bao giờ hành động một mình. Con cái là máu thịt của mẹ cha. Nỗi đau của con cũng là nỗi đau của cả gia đình. Hành động của con luôn mang đến những buồn vui, âu lo, đớn đau cho người khác.
Dù có học tập Hàn Quốc, Philipin, Australia hay Thụy Điển để xây dựng hẳn một bộ luật về phòng chống bạo lực học đường, có ngăn chặn được tình trạng này hay không, vẫn phụ thuộc chủ yếu vào cách ứng xử của người lớn.
Không thể khoán trắng việc quản lý, giáo dục con em cho nhà trường; những thay đổi nhanh chóng về tâm sinh lý của học sinh... luôn cần sự quan tâm sẻ chia, uốn nắn của gia đình, người thân.
Nâng cao tư duy phản biện, giá trị tự trọng cho học sinh để hạn chế hành vi bạo lực; tổ chức cho phụ huynh cùng tham gia các chương trình giáo dục kỹ năng giúp trẻ phòng vệ; Đưa các nhóm học sinh tham gia chương trình can thiệp tập trung có nguy cơ cao sử dụng bạo lực... được cho là những kinh nghiệm quốc tế mà Việt Nam nên học tập để xây dựng những giải pháp thiết thực hơn.
Phải giáo dục con trẻ trong một tập thể bao dung, chứ không phải là trừng phạt học sinh hư, học sinh có cá tính bằng cách cô lập. Để làm được điều đó, nhà sư phạm – gồm cả cha mẹ, phải là người gieo mầm và đặt những viên gạch đầu tiên để con trẻ bước tới, nếu không muốn tiếp tục chứng kiến những nỗi đau đến với con cái, học sinh của mình.
Vân Thiêng