Bên cạnh những kết quả nổi bật về hoàn thiện thể chế, bộ máy, ông Vũ Trọng Kim, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, cho rằng, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng trong nửa nhiệm kỳ qua đã được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá.
Các cơ quan đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong những vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, mang tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ ngành, địa phương, cả trong và ngoài khu vực Nhà nước, gây bức xúc trong Nhân dân.
Điển hình như các vụ án: Đăng kiểm, chuyến bay giải cứu, Việt Á, Vạn Thịnh Phát, AIC…
Trong đó, đại án Việt Á được phát hiện và khởi phát từ ngày 17/12/2021 khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Vụ án liên quan đến Việt Á sau đó lan nhanh chẳng khác nào đại dịch Covid-19. Các sai phạm trong đại án này phủ khắp nhiều tỉnh thành và một số bộ ngành Trung ương cho đến hôm nay vẫn chưa có hồi kết.
Theo báo cáo của Bộ Công an, liên quan đến các sai phạm trong việc mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, tính đến đầu tháng 5/2023, các cơ quan điều tra đã khởi tố 30 vụ án, 107 bị can.
Trong đó, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) khởi tố 1 vụ án, 31 bị can. Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố 1 vụ án, 5 bị can. Cơ quan cảnh sát, điều tra của 25 tỉnh, thành đã khởi tố 28 vụ án, 71 bị can. Hiện tại vụ án đang được điều tra mở rộng và sắp đi vào hồi kết.
Trong các bị can liên quan những sai phạm trong vụ Việt Á có 3 ủy viên trung ương đã bị cách chức là cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh và cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
Về vụ chuyến bay giải cứu, tính đến ngày 3/4/2023, cơ quan điều tra của Bộ Công an kết luận điều tra, đề nghị truy tố 54 bị can về 5 hành vi phạm tội gồm: Đưa hối lộ; nhận hối lộ; môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Gần đây nhất là vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm. Đến nay 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên, cán bộ công chức, viên chức có liên quan bị khởi tố; 106 trung tâm đăng kiểm bị đóng cửa phục vụ điều tra.
Ở góc độ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong bài viết nhân kỷ niệm 10 năm tái lập ngành nội chính Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, các vụ án, vụ việc sau khi đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, quyết liệt, điều tra, truy tố, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn.
Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, bí mật, được cho là “vùng cấm, nhạy cảm”, cả khu vực công và khu vực tư, đã được tham mưu chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm minh.
Trong đó, xử lý cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao, cả cán bộ cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Điều này khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiếng chuông cảnh tỉnh
Ông Nguyễn Chu Hồi (ĐBQH TP Hải Phòng) nhìn nhận những nhiệm kỳ gần đây công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh một bước đáng kể, có những kết quả cụ thể và có tác động xã hội rất tốt, củng cố được lòng tin của người dân vào Đảng.
Việc điều tra, truy tố và tới đây đưa ra xét xử hàng loạt các đại án như Việt Á, chuyến bay giải cứu, đăng kiểm,… cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những người trong các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như trong các hoạt động kinh tế nói chung của đất nước, kể cả doanh nghiệp Nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân.
Theo ông Chu Hồi, việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước mắt có thể tác động đến một bộ phận dẫn đến tâm lý lo sợ, nhất là với những cán bộ đã "nhúng chàm" rồi nhưng chưa bị lộ.
Tuy nhiên, đấy chỉ là hiệu ứng trước mắt, còn về lâu dài sẽ tạo ra hiệu ứng tốt lên. Đó là lập lại trật tự, "tạo đường ray" để đi đúng hướng, đúng đường, hướng tới mục đích chung là xây dựng xã hội Việt Nam phồn thịnh và hạnh phúc. Đây là ý nghĩa bao trùm rất lớn trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
ĐBQH Vũ Trọng Kim cho rằng, với những kết quả mà công cuộc phòng, chống tham nhũng mang lại trong thời gian gần đây thì không có lý do gì để ngưng lại, nhụt chí không làm.
Vì vậy, việc một số người nói rằng chống tham nhũng, tiêu cực mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển, làm cán bộ nhụt chí, không dám làm chính là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ phải xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, liêm chính, quản trị quốc gia ở tầm cỡ đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Muốn Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, phải xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ ngay từ bây giờ. Xây dựng Đảng trước hết phải xây dựng sự đoàn kết rộng lớn, tư tưởng chính trị, trong đó then chốt của then chốt chính là đội ngũ cán bộ.
Tuy nhiên, cách làm phải đổi mới thực sự để làm sao cho đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thức tỉnh, đòi hỏi tính tự giác cao hơn. Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực để tinh thần tự giác, tính liêm sỉ "hoá thân" vào từng con người cụ thể.
Nếu tính tự giác thấp thì rất khó phòng chống tham nhũng triệt để, bởi con người không thể như cái máy, bấm vào chỗ này mới làm, còn chỗ khác thì không.
“Tôi nghĩ là cần một cuộc xốc lại toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua xây dựng chỉnh đốn Đảng từ Ban Chấp hành Trung ương, từ cấp chiến lược cho đến cấp cơ sở”, ông Vũ Trọng Kim gợi mở.