Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn tác phẩm Quan thanh tra - vở hài kịch của nhà văn nổi tiếng người Nga Nikolay Vasilyevich Gogol (1809-1852).

dsc06799.jpg
Dàn diễn viên tham gia "Quan thanh tra" diễn xuất vô cùng duyên dáng, ấn tượng.

Vở hài kịch do NGƯT.TS Lê Mạnh Hùng làm đạo diễn kể về một công chức tên Khlestakov (NSƯT Xuân Bắc) lang thang đến một thị trấn miền Nam, đánh bạc thua nên không có tiền ăn, mắc kẹt tại một nhà trọ tồi tàn. Khlestakov sau đó bị Thị trưởng (NSƯT Trịnh Mai Nguyên) tưởng nhầm là quan thanh tra từ Thủ đô Peterburg đi thị sát.

Thị trấn bắt đầu bị đảo lộn bởi đám quan chức địa phương vốn là những kẻ tham nhũng vô cùng lo sợ chiếc ghế của mình bị lung lay. Họ tìm mọi cách hối lộ cho quan thanh tra. Nhân dịp đó, chúng tố cáo lẫn nhau, nói xấu nhau để tâng công, giở mọi chiêu trò bẩn thỉu, hèn hạ khi đứng trước mối nguy bị vạch trần… 

dsc06804.jpg
NSƯT Xuân Bắc vào vai công chức thủ đô.

Thế giới nhân vật trong Quan thanh tra là một thế giới nhộn nhạo như những bóng ma vô hồn, lúc nhúc những “chuột cống”, “mõm lợn”. Nhiều nhân vật dù có tên nhưng chỉ được gọi bằng vị trí xã hội như Thị trưởng, Chủ sự bưu vụ, Kiểm học, Chánh án, Viện trưởng viện tế bần...

Các nhân vật trong Quan thanh tra đặc biệt hãi sợ những cánh cửa “đột ngột mở toang”, sợ ai đó “ập vào” và cố gắng trốn chạy bằng ảo tưởng.

dsc06759.jpg
Các nhân vật trong "Quan thanh tra" đi đâu cũng giữ khư khư chiếc ghế.

Câu chuyện tuy xảy ra ở một vùng hẻo lánh, song Quan thanh tra của Gogol đã vạch trần bản chất của bộ máy quan chức cồng kềnh, mục nát dưới chế độ Sa hoàng. Điều đáng nói là vở kịch đề cập đến vấn đề tham nhũng, chạy chức quyền, hối lộ… rất gần với thực trạng xã hội Việt Nam.

Theo NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, đây là vở diễn hiếm hoi nhà hát phải “tung ra” toàn bộ các gương mặt “đinh” bao gồm cả dàn lãnh đạo nhằm đảm bảo chất lượng tác phẩm.

dsc06872.jpg
Vở kịch "Quan thanh tra" của Nhà hát Kịch Việt Nam.

“Đây là vở hài kịch rất nổi tiếng trên thế giới và cũng rất khó dàn dựng, kịch bản có thời lượng 4 tiếng nhưng chúng tôi phải làm sao cô đọng lại chỉ còn 2 tiếng. Ở đó, khán giả sẽ theo vị quan thanh tra giả đi vi hành, gặp đủ loại người với mọi tình huống dở khóc dở cười và cả những bài học đắt giá. Khán giả được cười, được thoải mái,nhưng bên cạnh tiếng cười chúng ta sẽ có nhiều điều suy ngẫm,” NSƯT Xuân Bắc chia sẻ.

Vở kịch được viết cách đây gần 200 năm nhưng vẫn nóng hổi chuyện quan tham. Chẳng hạn viên Kiểm học (NSƯT Kiều Minh Hiếu) có giọng ngọng chữ 'l' với 'n' dù lẩy bẩy khi gặp “quan” để hối lộ nhưng quay lưng ra về đã không quên buông câu: “Chắc là hắn sẽ không đến thăm trường học”.

Hoặc Chánh án (NSƯT Lâm Tùng) “ăn không nên đọi nói không nên lời” lại dám quả quyết rằng: “Ngài có cần kiện án ai ngay không”.

Đạo diễn khéo léo dùng hình ảnh những chiếc ghế để nói về lòng tham của quan chức địa phương. Họ giữ chiếc ghế của mình bằng mọi giá. Bối cảnh sân khấu cũng có cặp mắt mèo sắc lẹm, những lỗ cống và hình ảnh đàn chuột. Đó là hình ảnh ẩn dụ cho sự đục khoét, chui lủi, phảng phất khung cảnh đám cưới chuột trong tranh dân gian Việt Nam, qua đó thể hiện nạn cống nạp, hối lộ.

Vở diễn quy tụ dàn diễn viên NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Hoàng Lâm Tùng, nghệ sĩ Hồ Liên, Hồng Quang, Khuất Quỳnh Hoa...

Với dàn diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam, không cần bàn cãi về trình độ diễn xuất nhưng khán giả vô cùng bất ngờ khi họ kết hợp nhuần nhuyễn giữa kịch nói và kịch hình thể. Như NSƯT Kiều Minh Hiếu - Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - người luôn vào những vai chỉn chu, mực thước trên sân khấu nhưng cũng hoá thân thành viên Kiểm học hài hước. 

Những tràng pháo tay vang lên trong đêm diễn không phải vì tình huống, điệu bộ chọc cười mà là vì sự gần gũi, đồng cảm trước sự đan cài những câu chuyện của xã hội khá nhẹ nhàng, tự nhiên mà sâu cay...

Vở kịch Quan thanh tra sẽ được Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn vào các ngày 14, 15, 18, 19, 20/10.

Trích đoạn 'Quan thanh tra':