Những ngày qua, câu chuyện ''Cái tát của mẹ'' đăng trên trang cá nhân của NSƯT Xuân Bắc gây ồn ào, tranh luận gay gắt trên mạng xã hội. Một số luồng dư luận cho rằng Xuân Bắc mượn câu chuyện này để "mắng khán giả".
Chia sẻ với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông khẳng định câu chuyện Cái tát của mẹ là những phát ngôn mang tính cá nhân của NSƯT Xuân Bắc, không liên quan gì đến công tác quản lý nhà nước. Ông cũng đề nghị dư luận có cách nhìn nhân ái, khách quan về sự việc này.
'Dễ làm nghệ sĩ tủi thân'
Theo vị Thứ trưởng, câu chuyện Cái tát của mẹ "không hề có câu chữ đề cập tới nội dung của chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2023 để đến nỗi suy diễn thành mượn chuyện để mắng khán giả".
“Tuy nhiên, là người nổi tiếng, tham gia một vai trong chương trình, câu chuyện được nghệ sĩ Xuân Bắc đưa ra đúng vào thời điểm diễn ra Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2023 nên rất dễ bị suy diễn. Có khi câu chuyện chỉ đơn giản đúng như ý nghệ sĩ Xuân Bắc chia sẻ về các món ăn ngày Tết và ứng xử của con cái trong gia đình mà thôi. Tuy nhiên, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, nghệ sĩ Xuân Bắc cũng cần cẩn trọng hơn trên mạng xã hội, để tránh những tranh cãi trái chiều từ dư luận, làm ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh của mình”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định.
Chia sẻ với báo chí, nghệ sĩ Xuân Bắc cho biết: Câu chuyện mà tôi viết trên status chỉ là chuyện cá nhân và không hề có ý làm tổn thương, xúc phạm khán giả - những người mà tôi luôn trân trọng, biết ơn.
"Tuy nhiên, qua dư luận, câu chuyện của tôi đã gây hiểu nhầm cho một số khán giả. Tôi chân thành xin lỗi khán giả về điều này và cũng chân thành cảm ơn những người đã hiểu đúng câu chuyện của tôi. Tôi mong muốn được khán giả tiếp tục đồng hành, ủng hộ", Xuân Bắc nói.
Thứ trưởng Đông cũng cho rằng dư luận nên thông cảm với tâm trạng của nghệ sĩ, họ chỉ là một mắt xích trong ê kíp sản xuất của mỗi chương trình nghệ thuật. Nghệ sĩ chưa phải là những thành phần sáng tạo mang tính quyết định và định hướng ý tưởng của chương trình. Họ là người thực hiện trên thực tế các chi tiết của một kịch bản với sự sáng tạo riêng cùng tập thể để đưa kịch bản tới khán giả.
Nghệ sĩ luôn chờ mong từ khán giả sự ủng hộ, khen ngợi và đánh giá đúng công lao sáng tạo của họ trên sân khấu. Thế nên quy trách nhiệm và đổ lỗi cho một nghệ sĩ là chưa khách quan và dễ làm nghệ sĩ tủi thân.
Theo Thứ trưởng, dư luận nên có một cách nhìn rộng lượng hơn và tránh suy diễn quá cụ thể. Cá nhân nghệ sĩ Xuân Bắc cũng cần có sự điều chỉnh, rút kinh nghiệm để có những bài viết tránh gây hiểu lầm và bản thân truyền thông báo chí cũng nên cân nhắc khi chưa có trao đổi rõ ràng với người trong cuộc để hiểu suy nghĩ từ chính phát ngôn của họ.
Trước đó, ngày mùng 2 Tết, NSƯT Xuân Bắc đã đăng bài trên trang cá nhân mang tựa đề Cái tát của mẹ, kể chuyện một người mẹ Tết nào cũng hì hụi gói bánh chưng trong khi con trai bà, người đã đón hơn 50 cái Tết, giỏi chữ nghĩa, "gói bánh (chưng) rất ngu" nhưng năm nào cũng chê bánh mẹ gói.
Cuối cùng anh ta nhận cái tát của mẹ rồi nghe bố giáo huấn điều hay lẽ phải, giải thích những nỗi cơ cực vượt khó của người mẹ để cho gia đình một nồi bánh chưng ngày tết giữ truyền thống văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Xuân Bắc kết thúc "truyện ngụ ngôn" bằng câu "Cả nhà tôi xong bữa cơm đêm 30 vào đúng lúc kết thúc chương trình Táo Quân trên VTV3". Câu chuyện của Xuân Bắc khiến nhiều khán giả suy luận rằng, anh đang ví người mẹ gói bánh chưng là ê-kíp làm Táo Quân, còn người con trai hỗn láo "ăn cháo đá bát" chê bánh chưng mẹ mình gói chính là những người chê bai chương trình này.