Chiêu lừa “con cấp cứu ở bệnh viện”
Từ đầu tháng 3 đến nay, hàng loạt phụ huynh ở nhiều địa phương trên cả nước trở thành nạn nhân của chiêu lừa “con cấp cứu ở bệnh viện”.
Xuất hiện ban đầu ở TP.HCM, nhiều phụ huynh nhận được cuộc gọi gấp thông báo con bị chấn thương sọ não hoặc bị gãy tay… đang cấp cứu ở bệnh viện. Đối tượng lừa đảo cũng liên tục hối thúc phụ huynh cần phải đóng viện phí gấp để phẫu thuật cho con.
Nhiều người may mắn chưa chuyển khoản cho các đối tượng này mà trực tiếp đến bệnh viện tìm con. Tuy nhiên, không ít cha mẹ vì lo lắng đã nhanh chóng chuyển số tiền lớn tới tài khoản của người lạ này để kịp thời cứu chữa.
Chiêu thức lừa đảo này sau đó đã lan ra nhiều tỉnh thành khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên… với nội dung thông báo tương tự “con anh/chị đang cấp cứu tại bệnh viện”, yêu cầu chuyển tiền gấp để được phẫu thuật.
Theo thống kê của Công an TP.HCM, kể từ đầu tháng 3/2023 đến nay, có 14 trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa đảo với tổng số tiền là 825 triệu đồng.
Còn tại Hà Nội, vừa qua, một trường hợp đã bị lừa đảo số tiền lên đến 260 triệu đồng vì kịch bản “con đang cấp cứu ở bệnh viện”, cần chuyển tiền viện phí.
Chiêu lừa “ba con bị tai nạn”
Mới đây, tại TP.HCM tiếp tục xuất hiện trò lừa đảo học sinh ở cổng trường “ba con bị tai nạn giao thông, lên xe chú chở đến bệnh viện”. Theo đó, một nam sinh lớp 12 của Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) đứng chờ người thân đến đón ở cổng trường, một người đàn ông chạy xe máy đến và nói “ba con bị tai nạn giao thông, lên xe chú chở đến bệnh viện. Chú là bạn của ba con”.
Vì ba của nam sinh này đã mất nên em chạy vào phòng giám thị báo cáo sự việc. Khi giám thị và bảo vệ Trường THPT Phú Nhuận ra cổng trường, người đàn ông kia đã rời đi.
Ngay sau đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phát đi thông báo khẩn yêu cầu các nhà trường rà soát, chấn chỉnh công tác truyền thông sau khi xuất hiện trò lừa đảo học sinh ở cổng trường.
Chiêu lừa “học sinh nợ tiền”
Trong khi đó, tại Hà Nội, một số phụ huynh nhận được cuộc gọi từ số lạ thông báo con em mình mua hàng, đồ ăn, quần áo, vật dụng… nhưng chưa trả đủ tiền và để thẻ học sinh lại.
Những đối tượng này yêu cầu phụ huynh phải gửi tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp.
Ngoài ra, có nhiều trường hợp học sinh nhận được cuộc gọi, tin nhắn của kẻ lạ với lời lẽ đe dọa, gây áp lực vì lý do phụ huynh nợ tiền.
Các trường học sau đó đã phát đi thông báo đề nghị phụ huynh, học sinh bình tĩnh, cảnh giác trước các chiêu trò của kẻ xấu, khi có bất kỳ thông tin gì cần liên hệ với giáo viên, nhân viên của trường để xác nhận, tránh mắc mưu những kẻ lừa đảo.
Trước hàng loạt chiêu trò lừa đảo xuất hiện, nhắm vào đối tượng phụ huynh, học sinh, Bộ GD-ĐT phát đi thông báo, yêu cầu các sở GD-ĐT phối hợp với công an các đơn vị, địa phương phổ biến cho phụ huynh và học sinh, sinh viên biết về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, internet và mạng xã hội.
Cụ thể, như việc cho vay tiền nhanh qua ứng dụng trên điện thoại di động, sàn giao dịch tiền ảo, bán hàng đa cấp, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để lừa đảo…
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các nhà trường cần khẩn trương rà soát công tác bảo mật, cung cấp thông tin của học sinh, sinh viên tại các nhà trường và cơ sở giáo dục; kịp thời khắc phục các lỗ hổng bảo mật (nếu có), không để các đối tượng xấu chiếm đoạt nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự.
Đồng thời, các trường cần vận động phụ huynh, học sinh, sinh viên bị lừa đảo kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan công an để điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả.