Trả lời câu hỏi của giới truyền thông về vấn đề trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 1.614.206 tỷ đồng, giảm 8,66% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 39,6% so với kế hoạch năm 2023, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT cho biết: hiện nay, doanh thu công nghiệp ICT đang đóng góp tới 90% doanh thu ngành TT&TT và 100% giá trị xuất khẩu, chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI. Trong 6 tháng đầu năm 2023, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, hoạt động cắt giảm nhân sự CNTT toàn cầu làm cho xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ CNTT sụt giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu phần cứng, điện tử bị sụt giảm khoảng 9,6%. Khó khăn tại thị trường Mỹ và châu Âu sẽ ảnh hưởng đến ngành CNTT của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết, một điểm sáng của thị trường CNTT Việt Nam là mảng xuất khẩu phần mềm duy trì vẫn tăng trưởng tốt tại thị trường Nhật Bản và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Ví dụ, trong quý I/2023, FPT đạt doanh thu dịch vụ CNTT nước ngoài tăng 32% và số lượng hợp đồng ký mới tăng 44,1%. Thị trường Nhật Bản và APAC đóng góp tích cực nhất với tăng trưởng doanh thu lần lượt đạt 31,2% và 65,7% nhờ xu hướng đầu tư cho chuyển đổi số mạnh mẽ. Dù vậy, mức xuất khẩu này còn khá khiêm tốn so với toàn ngành và tỷ giá Yên Nhật xuống thấp, kéo theo doanh thu cả lĩnh vực công nghiệp ICT vẫn sụt giảm khoảng 9,8% so với cùng kỳ 2022.
Đại diện Cục Công nghiệp CNTT-TT cho rằng, sụt giảm thị trường thiết bị điện tử phần cứng là xu hướng chung của thế giới. Thị trường thế giới sụt giảm thì Việt Nam cũng có cùng xu hướng, do doanh thu từ thị trường xuất khẩu điện tử chiếm tỉ trọng hơn 90% doanh thu công nghiệp ICT.
Trong nửa cuối năm 2023, Việt Nam có thể tập trung duy trì tốc độ phát triển tích cực của lĩnh vực phần mềm, nhất là ở các thị trường Nhật, Mỹ, EU. Công ty tư vấn CNTT Gartner của Mỹ dự báo chi tiêu cho lĩnh vực phần mềm toàn cầu trong năm 2023 và 2024 tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt 12,3% và 13,1%. Đó là những cơ hội phát triển.
Cục Công nghiệp CNTT-TT cho hay, Việt Nam đang đặt mục tiêu doanh thu phần mềm của các doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường nước ngoài đạt hơn 2 tỉ USD vào cuối năm 2023. Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA cho biết, hợp tác với thị trường Nhật có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Tiềm năng thị trường còn rất lớn do tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT ở Nhật. Mặt khác, các hệ thống CNTT tại Nhật đã phát triển từ lâu nên cần cập nhật công nghệ mới, bảo trì, bảo dưỡng. Vì thế, nguồn công việc thuê ngoài từ Nhật sẽ rất lớn.
Trong Báo cáo Chỉ số dịch vụ toàn cầu (GSLI) năm 2021, Hãng tư vấn AT Kearney xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 6 về sức hấp dẫn trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm, sau các điểm đến truyền thống Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Brazil. Không thể phủ nhận, cơ sở hạ tầng CNTT tại Việt Nam đang được chú trọng đầu tư và phát triển vượt bậc nhằm giúp Việt Nam xuất hiện trên bản đồ công nghệ cao thế giới. Mặt khác, lợi thế cạnh tranh lớn nhất của dịch vụ xuất khẩu phần mềm Việt Nam vẫn chủ yếu nằm ở chi phí nhân công thấp, rẻ hơn đến 20-30% so với các nước Ấn Độ, Đông Âu hay Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của các công ty xuất khẩu phần mềm Việt Nam đang được khẳng định không chỉ nằm ở sự tăng trưởng số lượng các khách hàng lớn từ nhiều khu vực, mà còn ở giá trị gia tăng trong từng dự án.