Muốn phát triển công nghiệp văn hóa, phải nghĩ đến chuyện xuất khẩu
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian qua, thưa ông?
Ông Lê Thanh Tuấn: Sau gần 8 năm triển khai Quyết định số 1755 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, có thể thấy, công nghiệp văn hóa đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển văn hóa – xã hội của đất nước: Góp phần tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Tạo việc làm và tăng thu nhập cho rất nhiều người (lực lượng lao động của các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh)…
Một số sản phẩm công nghiệp văn hóa có đặc thù không bị hao mòn về giá trị qua tiêu thụ; sức sáng tạo văn hóa và quy mô phát triển thị trường văn hóa không có giới hạn. Các sản phẩm, dịch vụ của công nghiệp văn hóa không chỉ giúp khẳng định thương hiệu quốc gia mà còn đóng góp doanh thu không nhỏ vào ngân sách nhà nước.
Ngành công nghiệp văn hóa đang dần trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Ở nhiều quốc gia khác, các ngành công nghiệp văn hóa luôn giữ được tốc độ tăng trưởng, bất chấp cả những cuộc khủng hoảng kinh tế.
Theo tôi, sự phát triển công nghiệp văn hóa với ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ đã dần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước, đồng thời góp phần tích cực vào việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam ra quốc tế, gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia.
Tuy nhiên, dù có nền văn hóa đa dạng và đặc sắc, dù nhiều sản phẩm văn hóa đã được thương mại hóa ở thị trường trong nước, nhưng về xuất khẩu vẫn còn hạn chế.
Đến thời điểm này, tôi cho rằng, muốn phát triển mạnh công nghiệp văn hóa thì phải nghĩ đến việc xuất khẩu văn hóa, vừa mang lại hiệu quả kinh tế lại vừa có thể học hỏi thêm cách làm công nghiệp văn hóa của các quốc gia giàu kinh nghiệm hơn mình.
Vậy hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm công nghiệp văn hóa ra thế giới của chúng ta đang ở mức độ nào?
Xúc tiến thương mại được xem như “cầu nối” đưa sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam ra thế giới; giúp các nhà sản xuất ra sản phẩm công nghiệp văn hóa tìm kiếm thị trường, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để có những sản phẩm phù hợp, mang lại lợi nhuận.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức thành công rất nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại ra nước ngoài cho các sản phẩm, thương hiệu Việt nói chung; nhưng tính riêng về sản phẩm, dịch vụ văn hóa thì vẫn còn ít.
Tôi mong rằng, việc giới thiệu văn hóa Việt Nam nhân những ngày lễ lớn, những dịp kỷ niệm sự kiện ngoại giao của Việt Nam, chẳng hạn như các Tuần Văn hóa Việt Nam, Tuần Phim Việt Nam ở nước ngoài… sẽ tiếp tục được tổ chức ngày càng nhiều hơn và phong phú, đa dạng hơn, với sự tham gia của đông đảo đơn vị, doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Bởi vì, chúng ta đã đưa gạo, cá, tôm… xuất khẩu đến các thị trường khó tính thông qua việc khảo sát, tìm hiểu nhu cầu cụ thể của khách hàng quốc tế, nhưng các sản phẩm văn hóa thì chưa làm được như thế.
Ví dụ, bàn về tôm xuất khẩu, mình có thể biết ở châu Âu hay ở Mỹ người ta ăn con tôm cỡ nào, tôm sú hay tôm thẻ… Song, nếu nói tới xuất khẩu sản phẩm văn hóa, chúng tôi quả thật khó mà biết mình có thể xuất khẩu được cái gì phù hợp với ngay cả những nước trong khu vực châu Á của mình như Ấn Độ, Thái Lan…
Vì vậy, tôi mong rằng sẽ có thêm các đoàn xúc tiến thương mại chuyên về công nghiệp văn hóa. Bởi việc này các doanh nghiệp hoặc từng đơn vị nhỏ lẻ chưa thể làm được hoặc làm không hiệu quả.
Bên cạnh “bệ phóng” còn khá nhiều trở ngại
Việt Nam có những điều kiện thuận lợi như thế nào trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá công nghiệp văn hóa ra thế giới?
Việt Nam nằm trong khu vực phát triển kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh. Vị thế, uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Nước ta còn có sự đa dạng về địa hình, địa chất, hệ sinh thái, tạo ra nhiều danh lam thắng cảnh.
Đây chính là “bệ phóng” vững chắc cho sự phát triển các ngành kinh tế nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng. Thành tựu về hội nhập quốc tế cũng trở thành yếu tố thuận lợi đối với việc giới thiệu công nghiệp văn hóa ra thế giới.
Về nguồn lực con người, bên cạnh các nhà văn hóa, các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian luôn tâm huyết giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, còn có cả thế hệ trẻ với tư duy sáng tạo, năng động, bắt kịp sự phát triển và xu thế của thế giới.
Đặc biệt, văn hóa Việt Nam là kết tinh thành quả hàng ngàn năm văn hiến của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, rất phong phú, đa dạng trong sự thống nhất.
Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ, nhanh chóng hơn quá trình quảng bá công nghiệp văn hóa.
Còn về những thách thức thì sao, thưa ông?
Trước hết, các sản phẩm công nghiệp văn hóa của chúng ta chưa thật sự đa dạng, còn thiếu tính độc đáo nên chưa đáp ứng hết yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Kế đó, nhiều sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực nghệ thuật như điện ảnh, âm nhạc hay chương trình truyền hình… còn khó đo lường về giá trị và giá cả. Lực lượng tham gia quá trình sản xuất vẫn còn khá mơ hồ, lúng túng trong hoạt động kinh doanh sản phẩm văn hóa nghệ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm, tìm kiếm đối tác phát triển thị trường.
Ví dụ, một công ty, một hãng phim làm ra được một bộ phim hay một format chương trình gameshow, sau đó cũng không biết đánh giá thế nào. Kiểu “văn mình vợ người”, ai cũng nói sản phẩm của mình là hay, song khó mà xác định ra được giá bao nhiêu, sức hút của nó cỡ nào… bởi chưa đo đếm được.
Mặt khác, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế số giúp gia tăng hiệu quả khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa trên môi trường số khi khả năng tiếp cận các nội dung văn hóa trở nên dễ dàng, không bị giới hạn về địa lý.
Tuy nhiên, sự bùng nổ công nghệ cũng đưa đến một số thách thức lớn. Thứ nhất, tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số diễn ra hàng ngày, hàng giờ, ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của những người kinh doanh sản phẩm văn hóa chân chính.
Thứ hai, sự bùng nổ về thông tin truyền thông đi kèm với làn sóng giao thoa, du nhập văn hóa. Nếu không có sự kiểm soát và “sức đề kháng” tốt thì dễ dẫn đến tình trạng du nhập văn hóa ngoại lai không phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long sẽ làm gì để góp phần thúc đẩy, quảng bá công nghiệp văn hóa Việt Nam ra thế giới?
Để có thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại ngay tại “sân nhà” và hướng ra cạnh tranh trên thị trường quốc tế, điều cốt yếu, Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long vẫn phải tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Làm sao để có được những sản phẩm vừa có sự khác biệt và mang bản sắc văn hóa riêng, lại còn phải tương thích với những giá trị chung của toàn cầu, của nhân loại, như tính chân thiện mỹ, tình yêu thương con người, yêu hòa bình… Đó sẽ là cơ hội để từng bước chúng tôi đưa sản phẩm ra với công chúng nước ngoài.
Chúng tôi cũng hiểu rằng, muốn có sản phẩm văn hóa chất lượng cao thì dù máy móc thiết bị hiện đại đến đâu đi nữa, con người vẫn là yếu tố quyết định. Vì vậy, chúng tôi luôn đặc biệt lưu ý đưa anh em trong cơ quan đi học, đi dự các lớp bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo có liên quan. Tất cả vừa làm việc vừa cố gắng học hỏi, trau dồi thêm để có thể góp phần làm nên những sản phẩm văn hóa ngày càng hay hơn, tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!