yen bai.jpg
Viettel Yên Bái tặng điện thoại và hướng dẫn người dân xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải sử dụng mạng Internet.

Huyện Văn Yên được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác CĐS trên mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, đa dạng các hình thức tuyên truyền, huyện còn quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng dịch vụ viễn thông và hỗ trợ phương tiện tiếp cận thông tin cho người nghèo gắn với thực hiện các nhiệm vụ CĐS, đẩy mạnh công tác giảm nghèo thông tin. 

Ông Lê Thành Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Hạ tầng viễn thông trên địa bàn huyện được tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, xóa các vùng lõm sóng, bổ sung các trạm BTS 4G, 5G.

Hiện nay, 25/25 xã, thị trấn có mạng Internet cáp quang đến trung tâm xã và sóng viễn thông di động 4G phủ rộng 172 thôn, tổ dân phố.

Huyện đã xây dựng kế hoạch và triển khai chiến dịch "Phát triển công dân số - từ khu phố đến bản làng”, chiến dịch "Phổ cập nền tảng, công nghệ số thiết yếu đến người dân” trên địa bàn toàn huyện”. 

Cùng với đó, đã có 164/172 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố có lắp đặt và cung cấp wifi miễn phí cho người dân; 100% người dân có điện thoại thông minh được tiếp tận, phổ biến nâng cao kiến thức về kiến thức, kỹ năng số; 99,9% người dân được tiếp cận nguồn thông tin chính thống.

Bên cạnh đó, các tổ CĐS cộng đồng đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân nói chung và hộ nghèo nói riêng cách sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet để tìm kiếm thông tin, cập nhật kiến thức.

Nhờ vậy, mọi thông tin cần thông báo, tuyên truyền đến người dân đều được truyền tải nhanh chóng và hiệu quả. 

Ông Triệu Chằn Ton ở thôn Khe Bành, xã Châu Quế Hạ chia sẻ: "Được Nhà nước cho cái sim để vào mạng Internet bà con đã biết dùng điện thoại để tìm hiểu thông tin về chăn nuôi, trồng trọt áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, nhờ vậy cây trồng cho năng suất cao hơn, con lợn, con gà ít ốm bệnh hơn.

Nhiều người còn biết dùng mạng xã hội để làm video, đăng tin bán hàng, đông khách mua nên đã mở rộng sản xuất, không lo đói nghèo nữa. Có mạng Internet bà con cũng nắm bắt được thông tin nhanh hơn để thực hiện tốt các chính sách, quy định của Nhà nước”. 

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, đến nay, mạng lưới bưu chính phát triển rộng khắp bảo đảm 100% xã trong toàn tỉnh có điểm phục vụ bưu chính, mạng chuyển phát đến tận cấp thôn, đáp ứng yêu cầu là hạ tầng cho thương mại điện tử với 15 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh. 

Dịch vụ viễn thông phát triển nhanh cung cấp dịch vụ Internet với mạng lưới rộng khắp; toàn tỉnh mạng di động 4G được phổ cập với trên 2.550 trạm phát sóng, bảo đảm dịch vụ di động băng rộng tại 100% khu vực trung tâm xã, phường, thị trấn và 99% thôn, bản.

90% hộ gia đình có khả năng tiếp cận dịch vụ Internet cáp quang băng rộng, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang đạt gần 70%.

Mạng di động 5G đã được triển khai tại 4/9 huyện, thị xã, thành phố. Không chỉ đầu tư hạ tầng CNTT, tỉnh còn tập trung hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số để xây dựng công dân số. 

Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể cùng sự đồng thuận của người dân, công cuộc CĐS trên địa bàn tỉnh đang đi vào chiều sâu, tạo cơ hội mới cho người dân Yên Bái.

Việc hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng CNTT đã giúp người nghèo, hộ nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm để vươn lên thoát nghèo bền vững, làm chủ cuộc sống và được tiếp nhận mọi dịch vụ công bằng, bình đẳng theo phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Từ đó góp phần thúc đẩy công cuộc CĐS lan tỏa rộng khắp và tạo ra nhiều đột phá mới trong công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 1.356 tổ CĐS cộng đồng tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công, tham gia thực hiện CĐS trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Việc thực hiện chỉ tiêu "thiếu hụt về thông tin” trong giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm nghèo hiệu quả. Hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 5,68%, giảm 3,48% so với năm 2023.

Theo Hồng Duyên (Báo Yên Bái)