Hiện nay, CNTT đối với cuộc sống ngày càng trở nên quan trọng. Hầu như tất cả các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, đời sống đều có tác động mạnh mẽ từ việc ứng dụng CNTT, CĐS. Trong bối cảnh đó, các hệ thống đào tạo trực tuyến đã được ra đời mang lại nhiều lợi ích và đóng góp không nhỏ cho công cuộc CĐS cũng như sự tiến bộ của xã hội.
Bắt kịp xu thế đó, tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông đưa vào thử nghiệm nền tảng đào tạo trực tuyến chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Đề án CĐS trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 - 2030 đưa ra mục tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản, tham gia khai thác dữ liệu và công nghệ số; đồng thời, hướng tới xây dựng người dân Yên Bái trở thành những công dân số đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng 4.0.
Có thể thấy, đối với một tỉnh miền núi như Yên Bái thì việc thực hiện mục tiêu này là nhiệm vụ khá khó khăn do những hạn chế về cơ sở vật chất, hạ tầng, đặc biệt là hiểu biết, trình độ của người dân về CNTT không đồng đều. Vì vậy, việc rút ngắn thời gian, đơn giản hóa đào tạo, tập huấn về CNTT nhằm đưa nội dung CĐS đến gần và trở nên thiết thực, hiệu quả hơn trong cuộc sống là điều hết sức cần thiết hiện nay. Từ những yêu cầu đó, tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thí điểm nền tảng đào tạo trực tuyến CNTT, CĐS với nhiều tính năng, tiện ích.
Ông Bùi Trung Kiên - Trưởng phòng Đào tạo, Tư vấn và Chuyển giao công nghệ, Trung tâm CĐS tỉnh cho biết: "Với mục tiêu trang bị, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ cho đông đảo CBCCVC và người dân, nền tảng đào tạo trực tuyến CĐS được kết cấu với các khóa học trực tuyến đại trà về CNTT. Nền tảng hướng tới số lượng người tham gia lớn trên phạm vi rộng và được truy cập miễn phí qua mạng Internet”.
Thông qua nền tảng, các chuyên gia CNTT, giảng viên của Trung tâm đã xây dựng, biên tập, đăng tải các tài liệu, tư liệu, bài giảng, video được tổ chức thành nhiều chủ đề, cấp độ khác nhau để học viên khai thác; cung cấp khả năng học tập mọi lúc mọi nơi, giúp học viên truy cập vào kiến thức một cách dễ dàng, thuận tiện; cung cấp nhiều khóa học, chương trình đào tạo, tài liệu từ nhiều nguồn, giúp học viên có nhiều lựa chọn hơn và tiếp cận với kiến thức chuyên sâu hơn…
Đến nay, ứng dụng đã phát triển được 52 khóa học cho gần 5.200 học viên về việc thực chiến ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng và bồi dưỡng, tổ chức diễn tập thực tế và bồi dưỡng về kỹ năng phân tích, đánh giá, khai thác dữ liệu và công nghệ số cho cán bộ kỹ thuật, chuyên trách, bán chuyên trách CNTT, an toàn thông tin mạng của các cơ quan, đơn vị, cấp tỉnh, cấp huyện. Cách tiếp cận nền tảng trong CĐS, xây dựng cơ sở dữ liệu, quản trị dữ liệu, quản lý đầu tư cho CĐS, CĐS cấp xã…
Đặc biệt, nhằm đáp ứng nhu cầu bảo đảm an toàn thông tin khi tham gia các hoạt động trên môi trường số, nền tảng này còn có nhiều khóa học phục vụ nhu cầu của người dân như: an toàn Internet, kỹ năng an toàn số, kỹ năng an toàn thông tin…; qua đó, góp phần xây dựng không gian số an toàn, lành mạnh cho người dân. Không chỉ đem lại những kiến thức cần thiết, đầy đủ từ cơ bản đến nâng cao về CNTT cho người dùng, thông qua sự hỗ trợ của các ứng dụng chát, nền tảng đào tạo trực tuyến tỉnh còn tăng cường tương tác giữa giảng viên với học viên và hầu như không có sự giới hạn về điều kiện tham dự cũng như phí đăng ký học.
Trong năm 2024, theo kế hoạch Trung tâm CĐS tỉnh sẽ tổ chức 10 lớp đào tạo cho 1.200 CBCCVC tỉnh và sẽ hoàn thành trong tháng 8 tháng 9. Ông Bùi Trung Kiên - Trưởng phòng Đào tạo, Tư vấn và Chuyển giao công nghệ, Trung tâm CĐS tỉnh cho biết thêm: "Trung tâm tập trung vào việc nâng cao chất lượng, phát triển các khóa học mang tính ứng dụng cao và phù hợp với nhu cầu của người học; mở rộng phạm vi tiếp cận đến với nhiều đối tượng học viên hơn, bao gồm cả những người ở các khu vực xa xôi và khó tiếp cận”.
Cùng đó, Trung tâm cũng sẽ phát triển các công nghệ và công cụ đào tạo để tăng cường sự tương tác giữa học viên và giảng viên; đồng thời, cung cấp hỗ trợ học tập hiệu quả hơn. Liên tục theo dõi và áp dụng các công nghệ mới nhằm cải thiện trải nghiệm của học viên và giảng dạy, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, học máy và blockchain. Thông quan nền tảng đào tạo trực tuyến CĐS hướng tới việc phát triển không chỉ kiến thức mà còn các kỹ năng và năng lực cần thiết để thành công trong môi trường làm việc hiện đại…
Theo Hồng Duyên (Báo Yên Bái)