Những kết quả đáng khích lệ
Thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, danh thắng các cấp. Tính đến tháng 6/2021, trên địa bàn tỉnh có 119 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp (1 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia; 106 di tích cấp tỉnh). Hoạt động tu bổ, tôn tạo các di tích đảm bảo đúng tiến độ, theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật có liên quan.
Yên Bái hiện có 714 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 4 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ cấp sắc của người Dao huyện Văn Yên (Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2012); Nghệ thuật Xòe Thái ở Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ (Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08/6/2015); Hạn Khuống của người Thái thị xã Nghĩa Lộ (Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL ngày 23/01/2017); Lễ mừng cơm mới của người Mông, huyện Mù Cang Chải (Quyết định số 824/QĐ-BVHTTDL ngày 9/3/2021 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).
Tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên hoàn thiện Hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội đồng bảo vệ Hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái chuẩn bị các điều kiện để tham dự và bảo vệ Hồ sơ tại Hội nghị của Ủy ban liên chính phủ UNESCO.
Hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các giá trị văn hóa của các dân tộc (trang phục, kiến trúc, nhạc cụ, dân ca, dân vũ, lễ hội, nghề truyền thống…) được chú trọng khôi phục và phát huy. Từ năm 2011- 2021, đã tiến hành bảo tồn 50 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số. Tiếp tục phối hợp với các địa phương bảo tồn, khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống của các dân tộc.
Công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số được triển khai có hiệu quả. Năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tập huấn bảo tồn tiếng nói, chữ viết đối với dân tộc có nguy cơ mai một cao tại tỉnh Yên Bái.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, qua 2 lần xét tặng, tỉnh Yên Bái đã có 15 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Hiện nay, Sở đang tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm 2021.
Thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên triển khai các nội dung Dự án bảo tồn làng truyền thống dân tộc Phù Lá, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên; tổ chức 01 lớp tập huấn bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc Phù Lá tại xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên. Đến nay, công trình dự án đã hoàn thiện và được bàn giao cho Ủy ban nhân dân xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên để phát huy tối đa giá trị các hạng mục của công trình nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Phù Lá, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số được gắn với phát triển đời sống văn hóa cơ sở thông qua việc tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ các dân tộc thiểu số, các chương trình giao lưu giới thiệu, tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng - Trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Yên Bái, định kỳ 2 năm/lần.
Trong thời gian tới, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số đạt hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền với hình thức nội dung phong phú, phù hợp, sáng tạo, đa dạng, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, gắn kết bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, tôn vinh đối với các nghệ nhân và những người am hiểu văn hóa truyền thống, có công trong việc bảo vệ, truyền dạy, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.
Vân Anh
Ảnh: Đàm An