Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, tính đến ngày 25/4, có hơn 83.000 thuê bao bị khóa hai chiều đã chuẩn hóa thông tin cá nhân. Như vậy, con số này chỉ chiếm khoảng 7,2% số thuê bao bị khóa hai chiều phải chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định.
Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, sau ngày 15/4, có 1,15 triệu thuê bao bị khóa hai chiều. Như vậy, tính đến thời điểm này vẫn còn hơn 1 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều chưa chuẩn hóa lại thông tin cá nhân. Các thuê bao này sẽ bị thu hồi nếu sau ngày 15/5 chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao theo quy định.
Cục Viễn thông cho hay, số thuê bao bị khóa 2 chiều đi đăng ký lại thông tin tăng mạnh vào ngày cuối tuần, sau đó lại giảm vào ngày thường. Theo các nhà mạng, sau thời điểm bị khóa thuê bao hai chiều, khách hàng sẽ không thể tự thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao qua website hoặc app của nhà mạng. Sau khi bị khóa liên lạc hai chiều, khách hàng có thể tiếp tục thực hiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao bằng cách đến cửa hàng giao dịch của các nhà mạng để được hỗ trợ chuẩn hóa thông tin. Để được hỗ trợ mở khóa thuê bao, xác minh thông tin, khách hàng cần mang theo các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, hộ chiếu… khi đến thực hiện giao dịch. Nếu thuê bao không thực hiện chuẩn hoá thông tin sẽ bị thu hồi số sau 30 ngày kể từ thời điểm bị khóa hai chiều.
Ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho hay, thời gian vừa qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý, truyền thông và doanh nghiệp đã tạo hiệu ứng tốt để khách hàng đi chuẩn hóa thông tin thuê bao.
“Việc chuẩn hóa thông tin cá nhân là quyền lợi của mỗi khách hàng, giúp khách hàng dễ dàng thực hiện các giao dịch như dịch vụ công, các dịch vụ thanh toán điện tử... bởi số thuê bao đã được xác thực với cơ sở dữ liệu dân cư và kết nối với dịch vụ công trực tuyến”, ông Cao Anh Sơn nói.
Đại diện VinaPhone cũng đưa ra khuyến cáo các khách hàng chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao cần sớm đến các điểm giao dịch để thực hiện bổ sung, cập nhật trước thời điểm bị thu hồi về kho số vào ngày 15/5 theo quy định. Việc thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, sử dụng SIM thuê bao chính chủ vừa là quyền lợi cũng là nghĩa vụ của khách hàng, người dân, nhằm đẩy lùi nạn SIM rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác, đồng thời giúp ngăn chặn những rủi ro pháp lý đối với người dùng trong quá trình sử dụng.
Một nhà mạng chia sẻ với VietNamNet, có lẽ sẽ có khoảng dưới 1 triệu SIM sẽ bị thu hồi vì những ngày gần đây số lượng đi đăng ký lại không nhiều. Đây rất có thể là những SIM thứ 2 của người dùng nên khả năng họ đi chuẩn hóa thông tin cá nhân không cao. Đây cũng có thể là SIM đã kích hoạt sẵn còn tồn trên kênh phân phối của các đại lý.
Trước đó, Cục Viễn thông cho biết, sẽ phối hợp với các Sở TT&TT tổ chức giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện của doanh nghiệp. Đặc biệt, với việc phát triển thuê bao mới, sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT xử lý nghiêm, bao gồm đề nghị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới đối với các doanh nghiệp vi phạm, nhất là những hành vi cung cấp dịch vụ cho thuê bao phát triển mới có thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác, bán và lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho SIM.