Tính tới ngày 22/1, theo Forbes, Việt Nam có 5 tỷ phú USD với tổng tài sản đạt 12,2 tỷ USD. Ông Nguyễn Đăng Quang không còn trong danh sách này. Đây không phải là lần đầu tiên ông Quang rời khỏi danh sách Forbes.

Trước đó, cuối năm 2024, Việt Nam vẫn có 6 tỷ phú USD với tổng tài sản đạt 13,4 tỷ USD, tăng nhẹ so với mức 13,2 tỷ USD hồi đầu năm. 

Theo Forbes, đến ngày 22/1, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) kiêm CEO VinFast (VFS) Phạm Nhật Vượng có tài sản trị giá 4,1 tỷ USD, không đổi so với cuối năm trước nhưng thứ hạng giảm từ 833 về vị trí 839 tỷ phú thế giới.

Vào đầu năm 2024, tài sản của ông Vượng ở mức 4,6 tỷ USD.

typhuusdviet 1 116065.jpg
Nhiều tỷ phú Việt ghi nhận tài sản biến động đầu năm 2025. Ảnh: DK

Phần lớn tỷ phú Việt ghi nhận tài sản giảm chỉ trong khoảng 3 tuần qua. Tài sản của Chủ tịch VietJet (VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo giảm từ mức 2,9 tỷ USD xuống 2,8 tỷ USD.

Tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long giảm từ 2,4 tỷ USD xuống 2,3 tỷ USD.

Chủ tịch Techcombank (TCB) Hồ Hùng Anh cũng ghi nhận tài sản giảm từ 1,8 tỷ USD xuống 1,7 tỷ USD. 

Trong khi đó ông Trần Bá Dương (Thaco) và gia đình ghi nhận tài sản tăng thêm 100 triệu USD lên 1,3 tỷ USD.

Chủ tịch Masan Group (MSN) Nguyễn Đăng Quang ghi nhận tài sản xuống dưới ngưỡng 1 tỷ USD và không còn nằm trong danh sách các tỷ phú USD do Forbes ghi nhận.

Như vậy, ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người Việt giàu nhất trong danh sách của Forbes cũng như theo tài sản quy ra từ cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Vượng năm thứ 15 liên tiếp giữ vị trí số 1, tính từ năm 2010 tới nay.

Sở dĩ tài sản của nhiều tỷ phú Việt Nam hao hụt do thị trường cổ phiếu tụt giảm trong vài tuần gần đây với thanh khoản xuống mức rất thấp. Đây là điều thường thấy vào dịp trước Tết Nguyên đán.

Kết thúc phiên giao dịch 22/1, chỉ số VN-Index giảm thêm 3,56 điểm xuống 1.242,53 điểm, thanh khoản đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE).

Loạt cổ phiếu trụ cột vẫn chịu áp lực bán ra trong nhiều phiên và là yếu tố khiến VN-Index lùi về sát 1.240 điểm.

Thị trường chứng khoán ghi nhận tâm lý ảm đạm trước kỳ nghỉ Tết. Trước đó, trong báo cáo Outlook 2025, Chứng khoán SHS cho rằng TTCK Việt Nam có thể giảm 15-20% trước khi tăng ổn định trở lại trong trung và dài hạn. Dự báo năm 2025, VN-Index sẽ tăng 11-12% lên 1.400-1.420 điểm.

Với xu hướng này, tài sản của các tỷ phú và đại gia Việt sẽ gia tăng. Theo SHS, nhóm ngành có triển vọng tích cực là ngân hàng, bất động sản, bất động sản công nghiệp, logistics, dịch vụ tài chính, công nghệ viễn thông.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó khăn vì nợ nần cho dù cũng đã có những khoảng thời gian thị trường địa ốc sôi động. Đây là nguyên nhân khiến tài sản nhiều đại gia suy giảm, như trường hợp ông Bùi Thành Nhơn (Novaland), ông Nguyễn Văn Đạt (PDR)...

Ngành ngân hàng có triển vọng tích cực hơn trong năm 2025 sau một năm bứt phá. VinaCapital dự báo cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng nhờ lợi nhuận tăng trưởng mạnh hơn. 

Nhiều doanh nhân Việt tham gia lĩnh vực ngân hàng, như ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang, ông Dương Công Minh, ông Đỗ Minh Phú Doji, ông Đỗ Quang Hiển T&T, bà Nguyễn Thị Nga BRG... sẽ được hưởng lợi.