Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối tháng 5/2022. Theo đó, tầm nhìn đến năm 2030 đưa bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là của thương mại điện tử. Mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới; thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số.
Trong phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ, năm 2023 là năm thực hiện các chiến lược đã được ban hành. Bộ TT&TT sẽ ban hành các hướng dẫn thực thi chiến lược, tiến hành đo lường và công bố công khai các chỉ tiêu chiến lược.
Kế hoạch hành động năm 2023 triển khai Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và được Bộ TT&TT ban hành. Mục tiêu là nhằm xác định rõ các các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của Chiến lược phát triển bưu chính cần tập trung thực hiện trong năm nay. Yêu cầu đặt ra là các nhiệm vụ cần được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình thực hiện và bảo đảm hiệu quả, khả thi.
Theo kế hoạch, trong năm nay, các chỉ tiêu cần đạt gồm có: tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình của dịch vụ bưu chính phục vụ thương mại điện tử là 20%; số bưu gửi của mỗi người dân trong năm là 24; số dân phục vụ bình quân trên một điểm phục vụ bưu chính là 14.800; phát triển tối thiểu 3 doanh nghiệp bưu chính lớn dẫn dắt thị trường; 80% hộ gia đình có địa chỉ số; 80% hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử do doanh nghiệp bưu chính Việt Nam sở hữu; 100% sản phẩm giao dịch trên sàn thương mại điện tử do doanh nghiệp bưu chính Việt Nam sở hữu phải được gắn thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc…
Bộ TT&TT cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, doanh nghiệp để thực hiện các nội dung công việc cần hoàn thành trong năm 2023 để đảm bảo tiến độ triển khai Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, bên cạnh việc hướng dẫn thực hiện chiến lược, Vụ Bưu chính chủ trì thực hiện nhiều nhiệm vụ như Tổng kết Luật Bưu chính năm 2010; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy việc chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng bưu chính giữa các doanh nghiệp bưu chính để nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng bưu chính, tiết kiệm nguồn lực kinh tế của xã hội; xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp bưu chính; hình thành Cổng dữ liệu quốc gia về bưu chính; tổ chức Diễn đàn quốc gia về bưu chính...
Với lĩnh vực bưu chính, Bộ TT&TT đã xác định định hướng chuyển đổi từ chuyển phát thành hạ tầng thương mại điện tử và logistic. Với sự chuyển đổi này, ngành bưu chính mang sứ mệnh mới là “Đảm bảo dòng chảy vật chất làm nền tảng cho phát triển kinh tế số”.
Theo thống kê, trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng của ngành bưu chính là 25%/năm. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng này cũng là một mục tiêu của ngành trong 5 năm tới.
Doanh thu lĩnh vực bưu chính năm 2022 đạt 2,2 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. Về phổ cập dịch vụ bưu chính, năm 2022 số bưu phẩm trên mỗi người dân là 20 và mục tiêu đến năm 2025 là 50 bưu phẩm/người.