Kế hoạch đánh giá, công bố chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp bưu chính (trừ dịch vụ bưu chính công ích) năm 2023 vừa được Bộ TT&TT ban hành, nhằm đánh giá chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp bưu chính trên thị trường.
Từ đó, giúp cơ quan quản lý nhà nước có cái nhìn tổng quan về thực trạng cung ứng dịch vụ bưu chính của các doanh nghiệp; nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, đảm bảo chất lượng đã cam kết hoặc công bố với khách hàng; đồng thời nhìn nhận tiềm năng, thực lực của các doanh nghiệp đối thủ để cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, khả năng cạnh tranh.
Việc đánh giá, công bố chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp bưu chính sẽ được Bộ TT&TT, trực tiếp là Vụ Bưu chính chủ trì triển khai đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và không ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp cũng như việc sử dụng dịch vụ của người dân.
Thời gian dự kiến từ tháng 3/2023 đến tháng 12/2023, được triển khai với dịch vụ của 15 – 20 doanh nghiệp có sản lượng và doanh thu lớn, có quy mô và phạm vi cung cấp dịch vụ tại 63 tỉnh, thành phố.
Các bước đánh giá chất lượng dịch vụ bưu chính được thực hiện theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ bưu chính không thuộc dịch vụ bưu chính công ích đã được Bộ TT&TT ban hành, bao gồm 3 tiêu chí chính là thời gian toàn trình bưu gửi; độ an toàn bưu gửi; độ hài lòng của khách hàng. Ngoài ra, có thể bổ sung các tiêu chí khác khi cần thiết.
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ TT&TT được tổ chức hồi trung tuần tháng 12/2022, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Năm 2023 là năm mà Bộ TT&TT sẽ tập trung vào các kết quả thực chất. Trong đó với lĩnh vực bưu chính, sẽ đo lường và kiểm soát chất lượng dịch vụ.
Trong Chỉ thị 01 về định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025, Bộ TT&TT đã xác định rõ, với xu thế chuyển dịch từ thế giới thực sang thế giới số, hoạt động bưu chính đã có bước phát triển mạnh mẽ, không những đảm bảo cung ứng dịch vụ đến mọi người dân, trong mọi tình huống thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp mà còn trở thành hạ tầng thiết yếu cho nền kinh tế số, đặc biệt là thương mại điện tử. Các chính sách, mô hình, giải pháp cụ thể để phát triển lĩnh vực Bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đang tiếp tục được hoàn thiện nhằm khẳng định tầm quan trọng của Bưu chính trong thời đại số.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của lĩnh vực bưu chính, theo Chỉ thị 01 của Bộ TT&TT, là đánh giá chất lượng dịch vụ bưu chính công ích và ngoài công ích; thực hiện công bố chất lượng dịch vụ và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh; tăng cường thanh kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về cạnh tranh, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm về giá cước bưu chính.
Định hướng đến năm 2025, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ bưu chính tới mọi người dân. Khả năng tiếp cận phổ cập dịch vụ đạt tối thiểu 50 bưu gửi/đầu người; 100% điểm phục vụ có nhân viên trực và kết nối Internet để hỗ trợ việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử; 100% hộ gia đình có địa chỉ số. Tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ bưu chính chuyển phát phục vụ thương mại điện tử đạt 30%/năm.