Chị C.T.T.H. (trú tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết sáng 8/9, trước khi đưa con gái đi học, hai mẹ con vào quán bún Đ.T.H trên địa bàn xã ăn. Hai mẹ con ăn chung một bát bún bò.
Đến hơn 9h sáng, chị H. thấy người mệt, chân tay tê mỏi giống triệu chứng cảm cúm. Còn con gái chị ở trường cũng có biểu hiện mệt, nôn ói nên cô giáo gọi đón về. Tại nhà, cả hai mẹ con cùng nôn nhiều lần, bụng đau.
Ngay sau đó, hai mẹ con chị đã vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh để cấp cứu. Cùng lúc này, có tới hơn chục người giống triệu chứng của mẹ con chị, đều chỉ ăn bún. 10 người ăn khác chung cùng địa điểm và 6 bệnh nhân trú tại thành phố Điện Biên ăn khác quán.
Sáng ngày 9/9, quán ăn L.T.N, xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, bán 25 bát bún bò. Đến trưa, chiều cùng ngày, 11 người ăn tại quán này có dấu hiệu ngộ độc, trong đó 5 người phải đến các phòng khám ở khu vực truyền dịch và điều trị theo phác độ ngộ độc thực phẩm.
Ngay sau khi ghi nhận các ca ngộ độc liên quan tới bún, các cơ quan chức năng liên ngành của tỉnh Điện Biên đã nhanh chóng tới các cơ sở bán hàng lấy mẫu kiểm tra và truy xuất nguồn gốc bún tươi. Tất cả các cơ sở này đều nhập bún từ một địa điểm tại phường Tân Thanh, TP. Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Trường hợp quán ăn tại Tủa Chùa nhập qua đường xe khách từ chiều tối ngày hôm trước.
Đơn vị chức năng đã kiểm tra cơ sở sản xuất bún này. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở và người lao động; phiếu kết quả kiểm nghiệm đã hết hạn; điều kiện sản xuất của cơ sở chưa đảm bảo… Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu test nhanh và lấy một gửi về Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia để tiến hành các bước xét nghiệm tiếp theo.
Theo bác sĩ Lò Văn Quyết, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, các bệnh nhân vào cấp cứu đều trong tình trạng hoảng loạn, lo lắng với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Việc quá nhiều bệnh nhân cùng ngộ độc đã tạo nên hội chứng tâm lý dây chuyền. Nhiều bệnh nhân khi vào viện không có biểu hiện ngộ độc nhưng vì đã ăn bún tại cơ sở này nên tới kiểm tra.
Bác sĩ Quyết cho biết ngộ độc thực phẩm luôn rình rập trong mỗi bữa ăn. Nguyên nhân có thể do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật hoặc độc tố của vi khuẩn, nhiễm hóa chất, chất độc có tự nhiên.
Biểu hiện ngộ độc thực phẩm ghi nhận thường có hai người trở lên có biểu hiện bệnh tương tự nhau sau khi cùng cùng ăn một loại thực phẩm, người không ăn thì không bị bệnh. Các triệu chứng gợi ý gồm đau bụng, nôn, ỉa chảy.
Các đối tượng có nguy cơ nặng nếu bị ngộ độc thực phẩm như trẻ dưới 2 tuổi, người cao tuổi, bệnh khớp, ung thư, dị ứng, suy dinh dưỡng, bệnh dạ dày tá tràng, bệnh gan, rối loạn sắc tố. Tốt nhất, người dân khi thấy có biểu hiện ngộ độc cần đến cơ sở y tế để được hỗ trợ truyền dịch và kháng sinh, phòng biến chứng nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết bún là món ăn dạng sợi phổ biến tại Việt Nam. Bún được làm từ gạo. Trước đây, với công nghệ làm bún thủ công, người làm phải ngâm bột lâu. Hiện tại, công nghệ làm bún đã tiên tiến, máy móc hiện đại, đảm bảo an toàn thực phẩm hơn.
Tuy nhiên, khu vực làm bún thường ẩm ướt nếu người làm không để bún thành phẩm sạch sẽ, trên khu vực giá cao bún sẽ dễ nhiễm vi sinh vật gây ngộ độc. Để tránh ngộ độc thực phẩm từ bún, ông Thịnh cho biết tốt nhất khi mua bún về người dùng nên chần bún qua nước sôi ở nhiệt độ 100 độ C tiêu diệt vi sinh vật, chọn mua ở các cơ sở đảm bảo, không mua hoặc ăn bún đã có mùi ôi thiu, mủn sợi.