Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ và 2 phương án định giá đất.
Ngày 3/11, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật gửi đến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ và 2 phương án định giá đất.
Thu hồi đất làm nhà ở thương mại cũng là để phát triển kinh tế - xã hội
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, kinh doanh bất động sản là một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia, đang và sẽ tiếp tục là một trong những động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Việc phát triển các dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội và xây dựng đô thị văn minh hiện đại.
Vì vậy, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án này cũng là để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Báo cáo cũng phân tích rõ việc điều tiết chênh lệch địa tô được thực hiện thông qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án loại này theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.
Liên quan đến nội dung này, Điều 128 dự luật đã quy định, người đang có quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì được thực hiện các dự án đầu tư nói chung, dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ nói riêng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở...
Với quy định này sẽ hạn chế các trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ.
Trên cơ sở các ý kiến và báo cáo của Chính phủ, dự thảo luật thiết kế 2 phương án.
Phương án 1: Dự thảo luật đã chỉnh sửa theo hướng dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.
Tuy nhiên, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất chỉ là hình thức nhà nước giao đất, cho thuê đất, không phải tiêu chí, điều kiện để thu hồi đất, chưa phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 18 về quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí cụ thể việc nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Phương án 2: Tiếp thu các ý kiến theo hướng quy định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ gắn với tiêu chí, điều kiện cụ thể thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về nội dung này. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động để tiếp thu, thiết kế phương án phù hợp tại luật hoặc giải trình thuyết phục nếu không thể tiếp thu.
2 phương án định giá đất
Về phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã quy định rõ nội hàm các phương pháp định giá đất bao gồm: Phương pháp so sánh, phương pháp thặng dư, phương pháp thu nhập, phương pháp hệ số điều chỉnh.
Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự thực hiện của các phương pháp định giá đất.
Về trường hợp, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất, dự thảo Luật thiết kế 2 phương án:
Phương án 1: Giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp.
Phương án 2: Quy định tại luật về trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 2 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều. So với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự luật đã bỏ 4 điều, bổ sung 6 điều, sửa đổi 229 điều.
Nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, hoàn thiện thêm, như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tài chính đất đai, giá đất;…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân khẳng định, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều chính sách đổi mới, bao quát đầy đủ các trường hợp phát sinh từ thực tiễn mà vẫn đảm bảo được luật định.
Nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, băn khoăn về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc sửa các luật liên quan đến đất đai cần sự thống nhất cao để khơi thông nguồn lực phát triển, tránh sự chồng chéo, sơ hở, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.