Loãng xương là tình trạng giảm mật độ chất khoáng trong xương, kèm suy giảm cấu trúc xương. Đây là bệnh lý thầm lặng, rất phổ biến trên thế giới và Việt Nam.
Loãng xương thường không có triệu chứng điển hình, thường chỉ được biết đến khi xuất hiện đau lưng, đau cổ tay, khớp gối, khớp háng, gãy cổ xương đùi… xương yếu dẫn đến gãy xương với chấn thương nhẹ hoặc không rõ chấn thương.
Đo mật độ xương là cách để phòng tránh bệnh loãng xương sớm, biết mức độ loãng xương hoặc để biết hiệu quả của việc điều trị bệnh này.
5 nhóm đối tượng sau đây cần đi đo mật độ xương ngay:
- Người cao tuổi, đặc biệt trên 65 tuổi đối với cả nam và nữ
- Phụ nữ sau mãn kinh, đặc biệt những người mãn kinh sớm
- Phụ nữ tuổi 45-50 tuổi có cân nặng thấp và chiều cao ”khiêm tốn”
- Đã hoặc đang điều trị các bệnh: cường giáp, cường vỏ thượng thận
- Người có thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ: ít ăn các thực phẩm giàu can xi, vitamin D, ít hoạt động thể lực, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia…
Phát hiện sớm độ loãng xương sẽ giúp bệnh nhân, đặc biệt trong thời kỳ tiền mãn kinh hay mãn kinh, sớm chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp, thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, tránh được các sự cố gãy xương không đáng có, cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm thiểu chi phí điều trị.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa khám Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia