Người mắc ung thư cần cung cấp cho cơ thể năng lượng, các dưỡng chất để ngừa suy dinh dưỡng, đồng thời tăng cường miễn dịch. Vì vậy, chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư rất quan trọng. Ngoài các thực phẩm tốt như rau xanh, trái cây, cá, người bệnh ung thư cần tránh các loại thực phẩm sau:
Thịt chế biến sẵn
Thịt chế biến sẵn thường được bảo quản bằng cách muối, lên men, hun khói, nướng hoặc phơi khô như: thịt xông khói, xúc xích, thịt bò khô và thịt nguội. Những hóa chất bảo quản trong quá trình chế biến khiến loại thịt này không tốt cho sức khỏe.
Một nghiên cứu cho thấy ăn nhiều thịt chế biến sẵn làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng, ung thư vú và ung thư phổi. Chúng thường chứa những chất gây ung thư hình thành trong quá trình chế biến thịt như nitrat và nitrit.
Hạn chế muối trong điều trị ung thư rất quan trọng để ngăn tình trạng giữ nước (phù) trở thành một vấn đề sức khỏe.
Thịt nướng
Thịt khi được nướng ở nhiệt độ cao sẽ giải phóng ra các hóa chất gây ung thư. Một nghiên cứu cho thấy những hóa chất được giải phóng khi nướng thịt đỏ sẽ thúc đẩy hình thành ung thư đại tràng.
Bạn nên sử dụng các phương pháp chế biến thịt ở nhiệt độ thấp hoặc nhiệt ẩm như hấp, om hoặc hầm. Những phương pháp này sẽ không tăng nhiệt độ quá cao như nướng thịt, do đó có thể tránh hình thành các hợp chất gây ung thư.
Đồ uống có đường
Đồ uống có đường dẫn đến tăng lượng calo và đường huyết, có thể gây ra tăng cân. Mặc dù giảm cân là vấn đề thường gặp ở nhiều bệnh nhân ung thư, nhưng tăng cân cũng gây ra những vấn đề sức khỏe tương tự.
Nghiên cứu ghi nhận đồ uống có đường là yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được để ngăn ngừa ung thư. Bạn có thể giảm nguy cơ ung thư bằng cách giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Ví dụ, bạn nên ăn trái cây nguyên quả thay vì uống những chai nước ép.
Đường tinh chế
Bệnh nhân ung thư và cả người bình thường đều nên cắt giảm thực phẩm chứa nhiều đường trong chế độ ăn. Lý do là vì mối liên quan gián tiếp giữa đường và nguy cơ ung thư. Ăn nhiều đường trong một thời gian dài có thể khiến bạn bị tăng cân, thậm chí béo phì. Có những bằng chứng khoa học đáng tin cậy cho thấy việc thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ của 11 loại ung thư khác nhau.
Vì vậy, bạn cần ăn đủ tinh bột để cơ thể có thể chịu đựng được quá trình điều trị ung thư. Bạn nên giảm đường tinh chế và những thực phẩm chứa nhiều đường như: bánh ngọt, bánh quy và các đồ uống có đường trong khi vẫn duy trì lượng tinh bột trong chế độ ăn.
Ruợu
Rượu và chất chuyển hóa (gọi là acetaldehyd) là yếu tố thúc đẩy ung thư. Chúng có thể ảnh hưởng đến thuốc và quá trình điều trị ung thư.
Với một người có sức khỏe bình thường, uống rượu vừa phải có thể mang lại lợi ích. Tuy nhiên, những bệnh nhân ung thư đang trải qua quá trình điều trị nên hạn chế rượu, đặc biệt trong trường hợp bị các loại ung thư thực quản, gan, vú hoặc đại trực tràng.
Một chế độ ăn cân bằng rất cần thiết trước, trong và sau khi điều trị ung thư. Thực phẩm lành mạnh có thể giảm tác dụng phụ của hóa chất, xạ trị, phẫu thuật và các phương pháp điều trị ung thư khác. Không giống như yếu tố di truyền, thói quen ăn uống là điều bạn có thể kiểm soát, thay đổi và ảnh hưởng tích cực đến quá trình hình thành cũng như phát triển ung thư.
Bác sĩ Lê Văn Thành - Bệnh viện K Trung ương