Du học 2 tháng đã đi làm thêm
Yêu thích ngoại ngữ, mong được đi đây đi đó, Vũ Thị Thơm (SN 1999, quê Thái Nguyên) đã ấp ủ ước mơ du học từ khi còn là học sinh cấp 3.
Thế nên, khi vào trường Đại học Thái Nguyên chuyên ngành song ngữ Trung - Anh được một kỳ, Thơm đã quyết định đi du học ngành Quản lí nhà hàng khách sạn tại Trường Đại học Thực Tiễn (Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc).
Thơm cho biết, thời gian đầu cô rất sợ hãi và lo lắng vì phải một mình đến nơi xa lạ. Được sự động viên của người bác đang sống tại Đài Loan, cô quyết định cho bản thân cơ hội trải nghiệm một môi trường mới.
Tháng 6/2018, Thơm từ biệt bố mẹ bắt đầu chặng đường du học của mình.
Những ngày đầu đặt chân tới Đài Loan, Thơm cảm thấy rất lạ lẫm. Ngoại ngữ không có, cô chỉ biết nói hai từ "xin chào" và "cảm ơn" nên rất áp lực khi đi mua hàng. Hai năm đầu, cô phải học ngoại ngữ tại trung tâm dành cho du học sinh. Thời gian đầu không hiểu cô giáo nói gì, Thơm phải nhờ bạn giúp đỡ.
May mắn có người bác họ sống tại đó, nên Thơm được bác giúp cho chỗ ở. Sau nửa năm, cô tự lập, tách mình ra ngoài và thuê trọ riêng.
Tháng đầu tiên du học, bố mẹ phải gửi tiền lo cho Thơm. Bắt đầu từ tháng thứ hai, Thơm mạnh dạn đi làm rửa bát thuê ở một nhà hàng lẩu, cùng với những anh chị du học sinh người Việt khác, để kiếm tiền trang trải học phí. Cũng từ đó, bố mẹ của Thơm không phải lo tiền học cho con gái nữa.
Suốt 6 năm du học, ngoài giờ học, cứ có thời gian rảnh là Thơm lại đi làm thêm tại các nhà hàng, quán ăn để học hỏi kinh nghiệm, học giao tiếp và kiếm thu nhập lo cho bản thân. Thơm cho biết, làm thêm vất vả nhưng là cơ hội để giúp cô trau dồi ngoại ngữ và mạnh dạn hơn.
Nấu ăn vì đam mê
Sống xa nhà, tự lập từ sớm lại học chuyên ngành Quản lí nhà hàng khách sạn, ngọn lửa đam mê nấu nướng sớm đã cháy trong cô gái trẻ. Suốt 6 năm du học, Thơm đã thích nghi được cuộc sống ở Đài Loan. Nhưng điều duy nhất cô không thể thích nghi được, đó là đồ ăn ở đây.
Có rất nhiều món ăn dù là đặc sản, nhưng không hợp khẩu vị của Thơm. Vì vậy cô phải tự mình nghĩ ra các món Việt, tự mua nguyên liệu về nhà nấu nướng. Dù sống một mình, nhưng Thơm không ngại chuẩn bị cho mình những bữa ăn thịnh soạn.
"Gần tốt nghiệp, mình tìm được công việc bán thời gian tại một tòa soạn báo. Những ngày đi làm, mình đều tự chuẩn bị cơm hộp. Khâu chuẩn bị hơi lích kích, mất thời gian nhưng khi bắt tay vào nấu, mình thấy thích và say mê", cô kể.
Thơm cho biết, ở Đài Loan, việc mua đồ ăn Việt không khó. Đặc biệt khí hậu ở Đài Loan và Việt Nam có nhiều nét tương đồng nên có nhiều nguồn củ quả giống nhau, thuận lợi nấu món Việt.
Để sáng sớm có hộp cơm hấp dẫn mang đi làm, Thơm thường chuẩn bị một số nguyên liệu từ tối hôm trước, nấu cùng bữa tối. Sau đó, cô để lại một phần thức ăn vào hộp, bỏ tủ lạnh để hôm sau mang đi. Đến trưa, cô bỏ đồ ăn ra, cho vào lò vi sóng quay lại là được bữa trưa hoàn hảo.
“Mình rất thích vào bếp nấu ăn, đó cũng là lý do mình chọn chuyên ngành học là quản lý nhà hàng, khách sạn. Thời gian rảnh, mình hay đi siêu thị và tìm tòi nguyên liệu, gia vị nấu ăn rồi về tự chế biến theo cách riêng của mình. Có nhiều món mình tự kết hợp và thực sự rất hài lòng.
Thông thường, mình sẽ chuẩn bị nguyên liệu giống nhau cho 2 ngày. Sau đó mình thay đổi phương thức chế biến để món ăn ngon hơn và không bị nhàm chán. Trung bình mỗi lần nấu ăn cho hai bữa sẽ mất khoảng 300 Đài tệ (hơn 230 nghìn đồng)”, Thơm cho biết.
Những suất cơm Thơm mang đến văn phòng được bạn bè xuýt xoa, khen ngợi. Nhiều người còn “ăn ké”, thậm chí có người gợi ý gửi tiền để Thơm chuẩn bị giúp mình bữa trưa, khỏi phải vất vả nghĩ món mỗi ngày.
Cũng vì vậy, thi thoảng bạn bè hay gợi ý đến nhà Thơm chơi để được thưởng thức tay nghề nấu nướng của cô. Thơm luôn sẵn sàng đón tiếp những người bạn và chuẩn bị những món ăn thật ngon, hợp khẩu vị của mọi người.
Thơm cảm thấy rất tự hào vì được bạn bè tin yêu, quý mến và yêu thích món ăn của mình. Đó là nguồn động lực rất lớn giúp cô định hướng ngành nghề trong tương lai.